Thứ 6, 22/11/2024, 17:25[GMT+7]

Ngành Ngân hàng: Đưa nghị quyết vào cuộc sống

Thứ 2, 30/11/2020 | 09:41:17
2,767 lượt xem
Một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đó là đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng trở lên và giảm 1/3 số hộ nghèo so với năm 2020. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra, ngay sau Đại hội, ngành Ngân hàng đã chủ động xây dựng các giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từ đó nâng cao đời sống nhân dân.

Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Bắc Thái Bình.

Là “ngân hàng của người nghèo”, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh được vay vốn phát triển kinh tế, từ đó nâng cao thu nhập và từng bước thoát nghèo.

Ông Tạ Tiến Khẩn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Chi nhánh cũng như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Chi nhánh chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm vốn ưu đãi của Chính phủ đến với người nghèo và các đối tượng chính sách một cách nhanh nhất. Trên cơ sở nguồn vốn trung ương cấp bổ sung, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, nguồn vốn thu lãi từ các chương trình và việc rà soát từ nhu cầu thực tế, Chi nhánh khẩn trương phân khai cho các địa phương. Chính vì thế, với 9 chương trình đang triển khai thực hiện, từ đầu năm đến nay đã có hơn 33.300 người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh được vay vốn ưu đãi của Chính phủ với số tiền đã giải ngân đạt gần 1.120 tỷ đồng, trong đó các chương trình có tỷ lệ giải ngân lớn như: cho vay hộ mới thoát nghèo (doanh số cho vay đạt hơn 694 tỷ đồng), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường (doanh số cho vay đạt gần 267 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm (doanh số cho vay đạt hơn 51 tỷ đồng). Đến hết tháng 10/2020, trên địa bàn tỉnh hiện có 91.879 người nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn ưu đãi của Chính phủ với tổng dư nợ cho vay đạt 3.086 tỷ đồng, tăng 3,01% so với thời điểm 31/12/2019.

Trước bối cảnh chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện các giải pháp giúp khách hàng sớm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Đến hết tháng 9/2020, toàn ngành đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 413 khách hàng với dư nợ được cơ cấu đạt 545 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho gần 1.800 khách hàng với số tiền lãi hỗ trợ gần 400 triệu đồng; đồng thời, giảm 30% phí dịch vụ thanh toán điện tử đối với tất cả các giao dịch thanh toán qua ngân hàng. Cùng với đó, các TCTD còn chủ động giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1,5%/năm so với trước khi có dịch cho hơn 4.700 khách hàng vay vốn với doanh số cho vay gần 16.200 tỷ đồng. Sự hỗ trợ kịp thời đó đã giúp khách hàng bổ sung nguồn vốn duy trì sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần quan trọng vào khôi phục nền kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19. Đặc biệt là ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, trên cơ sở mục tiêu của Nghị quyết Đại hội và 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá phát triển, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương cụ thể hóa bằng những giải pháp riêng có của từng đơn vị nhằm bảo đảm duy trì tăng trưởng chung của toàn ngành Ngân hàng như: ưu tiên vốn cho vay các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng thực hiện cải cách hành chính, rút gọn hồ sơ, thủ tục vay vốn; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại nhằm rút ngắn thời gian giao dịch với khách hàng; phát triển thêm nhiều dịch vụ tiện ích trong hoạt động thanh toán…

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thái Bình ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm rút ngắn thời gian giao dịch cho khách hàng.

Việc triển khai kịp thời các giải pháp đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng của toàn ngành. Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng đến hết tháng 10/2020, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh vẫn tăng trưởng dương với tổng dư nợ ước đạt 61.660 tỷ đồng, tăng 1,7% so với thời điểm 30/9/2020 và tăng 4,3% so với thời điểm 31/12/2019; trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 20%, cho vay lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 31% và cho vay lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 49% tổng dư nợ cho vay. Nhiều TCTD có mức tăng trưởng khá như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Bình (tổng dư nợ cho vay đạt 9.963 tỷ đồng, tăng 14,6% so với thời điểm 31/12/2019), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Bắc Thái Bình (tổng dư nợ cho vay đạt gần 6.982 tỷ đồng, tăng 6,4% so với thời điểm 31/12/2019)…


Minh Hương