Thứ 6, 22/11/2024, 23:32[GMT+7]

Các kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng: Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân

Thứ 2, 18/01/2021 | 09:38:46
7,818 lượt xem
Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã trải qua 12 kỳ đại hội; mỗi kỳ đại hội Đảng là một mốc son lịch sử khẳng định những thắng lợi, thành tựu và bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Báo Thái Bình điểm lại các dấu mốc quan trọng của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp từ ngày 27 - 31/3/1982 tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp từ ngày 27 - 31/3/1982 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.033 đại biểu thay mặt cho hơn 1.727.000 đảng viên.

Từ Đại hội lần thứ IV đến Đại hội lần thứ V của Đảng là những năm đầu cả nước bước vào kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên đất nước ta diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực vượt nhiều khó khăn chồng chất, giành nhiều thắng lợi song cũng đang gặp những khó khăn mới, khủng hoảng về kinh tế - xã hội ở nước ta đã xuất hiện. Tình hình đó đòi hỏi Đảng phải kiểm điểm lại đường lối, chủ trương, đánh giá khách quan thành tựu và khuyết điểm, vạch rõ những chủ trương và biện pháp để khai thác tiềm năng của đất nước, khắc phục những khó khăn, giải quyết đúng những vấn đề quan trọng và cấp bách về xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, về sản xuất và đời sống... nhằm tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.

Đại hội nghe Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và nhiều báo cáo quan trọng khác. Đại hội đã chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan của khó khăn, yếu kém, thẳng thắn nêu lên nguyên nhân chủ quan, đó là những sai lầm về lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội; chưa thấy hết khó khăn, phức tạp của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế mà sản xuất nhỏ còn phổ biến, duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính, quan liêu bao cấp, chậm thay đổi các chính sách...

Đại hội khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của Đại hội lần thứ IV, vạch ra chiến lược kinh tế - xã hội, những kế hoạch phát triển, những chủ trương, chính sách và biện pháp thích hợp trong từng chặng đường. Chặng đường trước mắt bao gồm những năm trong thập kỷ 80 với mục tiêu tổng quát: Ổn định dần dần, tiến lên cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân; Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, chủ yếu nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và xuất khẩu...; Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh miền Nam, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước; Đáp ứng những nhu cầu của công cuộc phòng thủ đất nước, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự.

Đại hội nhấn mạnh nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Đảng là tiếp tục nâng cao tính giai cấp công nhân, tính tiên phong của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 116 ủy viên chính thức, 36 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư của Đảng. Ngày 10/7/1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần. Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt vào ngày 14/7/1986 bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng.

Đại hội lần thứ V đánh dấu chuyển biến mới về sự lãnh đạo của Đảng trên con đường đấu tranh “Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Văn Nguyên (tổng hợp)