Chủ nhật, 22/12/2024, 20:24[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Từ phong trào hợp tác xã kiểu mẫu đến huyện nông thôn mới nâng cao

Thứ 6, 30/04/2021 | 23:00:10
13,048 lượt xem
Trong suốt giai đoạn chống Mỹ cứu nước, cùng với quân và dân cả nước, quân và dân huyện Quỳnh Phụ ngày đêm chắc “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, quyết đánh thắng giặc Mỹ trên đồng ruộng, giành những thắng lợi vượt bậc, chi viện cho tiền tuyến vượt yêu cầu.

Đường giao thông huyện nông thôn mới Quỳnh Phụ.

Từ cái nôi của phong trào xây dựng HTX kiểu mẫu toàn miền Bắc…

Giai đoạn 1961 - 1965, thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh đấu tranh thống nhất nước nhà, thực hiện phát triển nông nghiệp toàn diện theo kế hoạch, An Khê là xã được huyện chọn làm điểm khoanh vùng rải thửa, làm thủy lợi, 17 HTX nhỏ được dồn lại thành 5 HTX lớn tạo điều kiện tốt hơn trong chỉ đạo sản xuất. Phát triển sản xuất nông nghiệp được địa phương gắn với áp dụng nhiều giống lúa mới, cải tiến kỹ thuật thâm canh, công cụ lao động, cải tạo đồng ruộng, phát triển chăn nuôi. Cả nước bước vào cuộc kháng chiến cam go, không trực tiếp vào Nam đánh kẻ thù trên chiến trường, mỗi người ở lại hậu phương đều tự nhủ phải biến đồng ruộng thành mặt trận, sản xuất thêm nhiều lúa gạo góp sức cho tiền tuyến. Từ những phong trào thi đua như “Phấn đấu vượt 6 chỉ tiêu sản xuất”, “Thi đua sản xuất vì miền Nam anh dũng”… sục sôi khí thế, có sức lan tỏa lớn đã xuất hiện những tấm gương lao động quên mình của Đinh Văn Ký, Lê Thị Liêm, Nguyễn Thị Hải… biến khẩu hiệu thi đua thành hiệu quả trên đồng ruộng với “Biển bèo dâu, núi bùn, ruộng cao sản”, “Trăm gạch mộc, chục gạch khô, ki lô lợn béo”…

Với nỗ lực, quyết tâm vì miền Bắc thân yêu, vì miền Nam ruột thịt, năng suất lúa của An Khê liên tục tăng. Năm 1965 đạt 51,36 tạ/ha, cao nhất huyện Phụ Dực, góp phần cùng quê hương Thái Bình đạt 5 tấn thóc đầu tiên trên miền Bắc. Trên quê hương 5 tấn Thái Bình, An Khê trở thành cái nôi của phong trào xây dựng HTX kiểu mẫu toàn miền Bắc. Năm 1967 với thành tích đạt năng suất lúa 67,6 tạ/ha, An Khê vinh dự được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng II. HTX Lộng Khê đạt năng suất lúa 70 tạ/ha năm 1967, HTX Đại Đồng dẫn đầu huyện về chăn nuôi lợn, HTX Hiệp An dẫn đầu nghề cá toàn tỉnh đều vinh dự được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III… Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”, toàn xã đã đóng góp 7.700 tấn thóc và 4.300 tấn thực phẩm chi viện cho miền Nam. Ngày 24/5/1969, HTX nông nghiệp Lộng Khê, xã An Khê vinh dự được đón nhận ảnh chân dung cùng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng. 

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng trong tâm trí ông Lê Đình Phượng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã An Khê không phai mờ hình ảnh rất đỗi hiền từ, giản dị của Bác Hồ cùng lời căn dặn “Khuyên cán bộ một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Chúc đồng bào các dân tộc đoàn kết chặt chẽ, sản xuất tốt, chiến đấu giỏi, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Bức chân dung cùng những lời căn dặn của Người không chỉ là phần thưởng quý giá cho những nỗ lực không ngơi nghỉ của cán bộ, nhân dân An Khê mà còn là kim chỉ nam dẫn lối, nguồn cổ vũ, động viên cho đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện vượt mọi khó khăn góp sức bảo vệ miền Bắc, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ quê hương của phong trào xây dựng HTX kiểu mẫu toàn miền Bắc, quân và dân Quỳnh Phụ đã liên tiếp lập thêm nhiều chiến công vang dội đánh thắng giặc Mỹ trên đồng ruộng. Năng suất lúa toàn huyện năm 1961 đạt mức 40,8 tạ/ha đã tăng lên 66,48 tạ/ha vào năm 1974; giai đoạn 1955 - 1975, huyện Quỳnh Phụ đã thực hiện tổng mức lương thực nghĩa vụ chi viện vượt yêu cầu lên tới 234,944 tấn.

Nông dân thôn Đại Đồng, xã An Khê (Quỳnh Phụ) thu hoạch rau màu.
       
…Đến xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao

Những ngày tháng 4 lịch sử, về thăm xã An Khê, qua những tuyến đường trải nhựa thênh thang, giữa các xứ đồng thẳng cánh cò bay, mướt xanh màu lúa là những thôn xóm khang trang, trù phú, chúng tôi cảm nhận được sự hồ hởi cùng khí thế năng động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương khi từng bước hiện thực hóa những nghị quyết của đại hội đảng các cấp vào cuộc sống. An Khê là một trong số ít những địa phương của huyện Quỳnh Phụ sớm cán đích nông thôn mới. Không bằng lòng với những thành tích đã đạt được, với những nỗ lực củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 50,32 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,96%, hoàn thành 11 tiêu chí, An Khê trở thành một trong những xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Quỳnh Phụ.

Ông Nguyễn Tiến Quyền, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: Phát huy những thành tích đã đạt được, sau khi đạt huyện nông thôn mới vào cuối năm 2019, huyện Quỳnh Phụ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, đặc biệt là giành thắng lợi “mục tiêu kép” vừa tập trung phòng, chống dịch vừa phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Huyện đã và đang tập trung xây dựng và thực hiện các kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới để xây dựng Quỳnh Phụ trở thành huyện nông thôn mới nâng cao. Đến nay, ngoài 3 xã An Khê, Quỳnh Bảo, Quỳnh Minh đã được tỉnh thẩm định, huyện Quỳnh Phụ phấn đấu có thêm từ 3 xã trở lên trong năm 2021 được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời căn dặn ân cần của Người, hơn 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quỳnh Phụ luôn khắc ghi, gắng sức học tập, lao động, xây dựng quê hương. An Khê, Quỳnh Bảo, Quỳnh Minh, Quỳnh Thọ… những tên đất, tên làng mãi vang vọng chiến công “Thóc thừa cân, quân vượt mức” của những ngày cả nước cùng ra trận.  Những làng xã anh hùng trong quá khứ lại đi đầu đổi mới trong hiện tại cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quỳnh Phụ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức nỗ lực, sáng tạo đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Minh Hưng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày