Thứ 6, 22/11/2024, 21:35[GMT+7]

Nam Định: Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ 2, 03/05/2021 | 10:13:07
1,508 lượt xem
Xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó MTTQ các cấp và các đoàn thể đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, phát huy sức mạnh thực hiện thắng lợi chương trình.

Một góc nông thôn mới xã Điền Xá (Nam Trực).

MTTQ  các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”; chủ động phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng NTM với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp và dân hưởng lợi”. Cuộc vận động được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư. Đặc biệt là việc tập trung nguồn lực hướng về cơ sở, lấy địa bàn dân cư là nơi tổ chức thực hiện, qua đó đã thành lập nhiều mô hình mới đem lại hiệu quả trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm cho diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Trong đó, MTTQ và các đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội… Các ban công tác Mặt trận, và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở đã tuyên truyền, vận động nhân dân giúp đỡ nhau chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống tại các địa phương. Toàn tỉnh hiện có 142 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với gần 19 nghìn hộ tham gia sản xuất, kinh doanh, thu hút trên 44 nghìn lao động nông thôn. Nhiều làng nghề đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho phần lớn lao động trên địa bàn như: cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường), Đồng Côi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực); đúc đồng Tống Xá, gỗ mỹ nghệ La Xuyên (Ý Yên)… 

Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn hiện gấp 4,1 lần so với trước khi xây dựng NTM; khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm xuống còn 1,35 lần; tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 382 mô hình “Cánh đồng lớn”, hình thành trên 30 mô hình mới trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đã có 146 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao, 4 sao. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển có chuyển biến tích cực theo hướng tăng nguồn lực xã hội hóa; thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào địa bàn nông thôn, góp phần đưa lao động phi nông nghiệp ở nông thôn chiếm trên 80%. Việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan nông thôn đã trở thành phong trào, hoạt động thường xuyên của cộng đồng dân cư. Các mô hình “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, trồng cây bóng mát, trồng hoa ven đường do cộng đồng thực hiện và quản lý được triển khai rộng khắp. Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với cơ quan chuyên môn đẩy mạnh phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; triển khai xây dựng mô hình về bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố; tổ chức giám sát, hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường tại 7 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ Nam Định chung sức xây dựng NTM”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chỉ đạo Hội Phụ nữ cơ sở đảm nhận công tác vệ sinh môi trường; trồng và chăm sóc hoa trên các tuyến đường. Các cấp Hội Nông dân thực hiện mô hình “Phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình”, “Vườn kiểu mẫu”, “Tổ tự quản đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư”. Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn truyền thông kiến thức cơ bản về môi trường cho cán bộ Hội CCB ở cơ sở; đồng thời trao một số vật dụng thu gom xử lý rác thải tại nguồn cho Hội CCB để xây dựng các mô hình “Tổ, đội CCB tự quản thu gom rác thải”. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng 2.003 tuyến đường hoa với tổng chiều dài 2.575km. 100% xã, thị trấn tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, 106 xã, thị trấn lắp đặt lò đốt rác thải sinh hoạt; tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom đạt 88,4%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại đạt 92,6%. Số hộ gia đình có các công trình vệ sinh đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ cao; 3.056 khu dân cư không có ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, các thiết chế văn hóa; đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bài trừ tệ nạn xã hội và hủ tục lạc hậu… MTTQ các cấp đã phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận động nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước tại cộng đồng dân cư. Nội dung các hương ước, quy ước được MTTQ hướng dẫn sửa đổi, bổ sung gắn với nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, đặc biệt là các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được xác định là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét, xếp loại các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Khu dân cư 5 không”. Đến nay toàn tỉnh có 1.145 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận lần đầu cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 3.329 khu dân cư xây dựng được hương ước, quy ước trong đó có 3.289 hương ước, quy ước được phê duyệt; 2.637 khu dân cư văn hóa, 527.039 gia đình được công nhận văn hóa. Một số đơn vị đã triển khai thực hiện tốt như MTTQ huyện Hải Hậu đã vận động nhân dân “Ăn cỗ không lấy phần”; 100% xã, thị trấn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá, tủ sách. Huyện Mỹ Lộc xây mới, cải tạo, nâng cấp 120 nhà văn hóa, khu thể thao thôn xóm; 100% xã có nhà văn hóa, khu trung tâm văn hóa thể thao đạt chuẩn. Huyện Giao Thủy xây mới, cải tạo, nâng cấp 10 nhà văn hóa và khu thể thao xã; 332 nhà văn hóa thôn, xóm, khu dân cư. Thành phố Nam Định duy trì 135 tuyến phố văn minh đô thị. Hội CCB các cấp tham gia đóng góp tiền, vật liệu, ngày công sửa chữa, xây mới trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cơ sở; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội... Liên đoàn Lao động tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Ngoài ra, công tác giám sát hoạt động về xây dựng NTM được MTTQ các cấp tăng cường. Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã phối hợp tốt tham gia giám sát việc thực hiện các dự án, công trình liên quan đến lợi ích và nguồn đóng góp của nhân dân, đặc biệt là việc nâng cấp, thi công đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa.

Thời gian tới, MTTQ các cấp tiếp tục bám sát sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Qua đó tạo sự tin tưởng, đồng thuận, huy động được nhiều nguồn lực của nhân dân cho xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu./.

Theo baonamdinh.com.vn