Thứ 2, 10/02/2025, 10:08[GMT+7]

Ngày mới trên quê hương anh hùng

Thứ 2, 21/08/2017 | 09:08:21
7,504 lượt xem
Tháng 8, trời thu xanh thẳm. Trên quê hương với những địa danh lịch sử như chợ Khô (Hoa Lư), Phù Lưu (Đông Sơn), Thanh Long (Đông Hoàng), chùa Văn Ông Đông (Đông Vinh)... ghi đậm dấu ấn một thời đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của quân và dân Đông Hưng cờ hoa phấp phới chào đón ngày hội non sông.

Công nhân Công ty TNHH May Đông Thọ (xã Phú Châu, huyện Đông Hưng) hăng hái sản xuất.

Lật lại trang sử vẻ vang, hào hùng của quê hương Đông Hưng, ông Bùi Văn Huân, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện tự hào: Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tiên Hưng là huyện khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất, nhanh gọn nhất trong toàn tỉnh. Lịch sử Đảng bộ huyện Đông Hưng ghi rõ: Tối ngày 16/8/1945, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy tước vũ khí của lính cơ, dưới sự hướng dẫn của Mặt trận Việt Minh, lực lượng cách mạng của thị trấn và các vùng lân cận tổ chức vũ trang tiến vào phủ lỵ Châu Giang, một tiểu đội tự vệ chiến đấu tiến thẳng vào phủ đường tước 6 khẩu súng, đạn dược, vũ khí khác cùng tất cả tài sản, hồ sơ, tài liệu ở nhà riêng của tri phủ Trần Mạnh Hoan. Chiều ngày 18/8/1945, khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn đang họp bàn và quyết định khởi nghĩa trong toàn tỉnh tại thôn Thanh Long (Đông Hoàng), Đảng bộ huyện Đông Hưng đã lãnh đạo quần chúng lấy lực lượng vũ trang, các lực lượng cách mạng tiên phong vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Rạng sáng ngày 19/8/1945, nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, dưới sự chỉ huy của Mặt trận Việt Minh huyện, quần chúng nhân dân 8 tổng của huyện Đông Quan tiến thẳng vào Đồng Dù. Trước khí thế cách mạng sục sôi, tri huyện, quan lại và lính cơ nhanh chóng đầu hàng, giao nộp 7 khẩu súng trường. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Tiên Hưng thắng lợi không mất một viên đạn, không bị tổn thất xương máu. Tiên Hưng giành thắng lợi, các huyện khác chớp thời cơ khẩn trương khởi nghĩa giành chính quyền... Đảng bộ, nhân dân Đông Quan và Tiên Hưng, sau năm 1969 là huyện Đông Hưng tự hào về những đóng góp của mình trong Cách mạng Tháng Tám, từ đó viết tiếp những trang sử vàng chói lọi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc, đưa cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

Non sông thu về một mối, hòa bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân Đông Hưng tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Trong phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, chú trọng thâm canh, chuyên canh, quy vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng cánh đồng lớn; mạnh dạn chuyển đổi các diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi, trồng cây, con có giá trị kinh tế cao hơn. 

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 31 cánh đồng lớn với diện tích 1.409,37ha, các cánh đồng 4 vụ/năm ở 5 xã với diện tích 68,05ha; một số vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ở Đông Kinh, Đông Vinh, hàng nghìn trang trại, gia trại chăn nuôi và 3 vùng nuôi cá lồng ở Đông Á, Hồng Giang, Hoa Nam cho thu nhập cao. Không chỉ tích cực đưa cơ giới hóa, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, người dân các địa phương trong huyện còn mạnh dạn đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng, giá trị cao vào gieo cấy, nhiều năm năng suất lúa của huyện đạt trên 133tạ/ha, dẫn đầu tỉnh. Từ một huyện đứng ở tốp cuối của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, do làm tốt công tác tuyên truyền, quy hoạch đã tạo sự đồng thuận của cán bộ, nhân dân hiến kế, hiến công, đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn mét vuông đất và công trình trên đất làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, xây dựng các công trình quan trọng của địa phương, vươn lên tốp dẫn đầu với 26 xã đã về đích và 4 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Nếu như năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản của huyện chỉ mới chiếm tỷ trọng trên 13% thì đến nay, với 9 cụm công nghiệp, hoạt động sản xuất của hàng trăm doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống được duy trì, phát triển đã nâng tỷ trọng của ngành lên trên 43%, giá trị sản xuất đạt 2.552 tỷ đồng. Thương mại, dịch vụ chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.

Khi mới tái lập huyện, Đông Hưng là địa phương còn nhiều khó khăn về kết cấu hạ tầng, trường học, trạm y tế tạm bợ. Ngày nay, diện mạo các làng quê đã có nhiều đổi mới. Hầu hết các xã đều xây dựng được trường học cao tầng, làm đường bê tông, đường láng nhựa rộng rãi đến tận thôn, xóm. Trạm bơm, kênh mương được kiên cố hóa phục vụ sản xuất. Giáo dục được ưu tiên hàng đầu, 12 năm liên tục Đông Hưng dẫn đầu khối các huyện, thành phố về thành tích giáo dục và đào tạo. Năm 2010, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, các xã Nguyên Xá, Phong Châu, Đông Hoàng, Hoa Lư, Đông Xuân, Đông Á… cũng được phong tặng danh hiệu cao quý này. 

Cụ Nguyễn Văn Sáu (xã Đông Xá), đảng viên 70 năm tuổi đảng bồi hồi nhớ lại: Trước Cách mạng Tháng Tám, cũng như người dân cả nước, người dân Đông Hưng cơ cực, lầm than. Cách mạng Tháng Tám thành công, người dân đứng lên làm chủ cuộc sống của mình. Dưới ánh sáng của Đảng, quê hương nay có nhiều đổi thay, đời sống no ấm, người dân thêm tin tưởng vào công cuộc đổi mới.

Những ai xa quê trở lại đều nhận thấy quê hương Đông Hưng lam lũ, nghèo đói xưa kia không còn nữa, thay vào đó là một vùng quê đang vững bước trên đường đổi mới càng tự hào, vững tin hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, ra sức phát huy truyền thống anh hùng, cách mạng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hiếu Nghĩa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày