Thứ 2, 10/02/2025, 22:55[GMT+7]

Khi yêu thương vượt lên khó khăn, vất vả

Chủ nhật, 09/02/2025 | 20:03:49
698 lượt xem
Chăm sóc người bệnh đã khó, với bệnh nhân tâm thần lại càng khó hơn do họ đã mất hoặc hạn chế năng lực hành vi phải chăm sóc toàn diện, thậm chí khi lên cơn kích động có thể gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Vất vả, nguy hiểm nhưng các điều dưỡng của Bệnh viện Tâm thần Thái Bình vẫn luôn gắn bó với nghề bởi họ hiểu rằng: Người bệnh cũng như người thân, họ cần được chữa trị để hòa nhập cộng đồng như bao người bình thường khác.

Cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tâm thần Thái Bình gần như phải chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân.

Một ngày cũng như mọi ngày, công việc của chị Trần Thị Thanh Thủy, Điều dưỡng trưởng khoa nữ, Bệnh viện Tâm thần Thái Bình là cho bệnh nhân ăn, gội đầu, cắt tóc, tiêm, truyền, uống thuốc, kiểm tra buồng bệnh, nhắc nhở bệnh nhân đi ngủ đúng giờ... Hơn 20 năm gắn bó với công việc, trải qua nhiều nhọc nhằn, vất vả, thậm chí bị người bệnh lên cơn kích động đã chém đứt gân ngón tay, phải nối gân và khâu 7 mũi, song chị Thủy vẫn yêu và tự hào về nghề nghiệp của mình. 

Chị Thủy chia sẻ: Nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi khi tinh thần kích động, gia đình lại khó khăn nên nhìn rất thương. Trong quá trình chăm sóc, điều trị cho người bệnh, nhiều lần tôi đã bị người bệnh tấn công. Thế nhưng, mọi vất vả cũng qua mau. Vất vả nhiều nhưng hạnh phúc cũng nhiều. Khi bệnh nhân tỉnh táo nhớ tên và gọi rất yêu thương, điều này cũng chính là động lực để những điều dưỡng như tôi phục vụ bệnh nhân tốt hơn, thêm gắn bó với nghề. 

Bệnh nhân Hoàng Thị Yến (Kiến Xương) chia sẻ: Tôi bị mất ngủ, đau đầu vào Bệnh viện Tâm thần Thái Bình điều trị đã được gần 2 tháng. Ở đây, các bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc rất tận tình, chu đáo. Hôm nào tay run không thể xúc cơm, các chị điều dưỡng còn cho ăn, cho uống thuốc. Đến nay tôi thấy sức khỏe tinh thần đã tốt hơn. 

Mỗi năm, Bệnh viện Tâm thần Thái Bình đón tiếp hơn 4.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú. Nhiều bệnh nhân đến khám khi đã ở giai đoạn muộn trong tình trạng kích động, chống đối không chịu nhập viện, có ý tưởng hành vi tự sát, hành vi nguy hiểm, hoang tưởng, ảo giác và những triệu chứng trầm trọng với các thể bệnh tâm thần. Áp lực với cán bộ, nhân viên y tế là rất lớn. Nhiều bác sĩ, điều dưỡng đã bị bệnh nhân đánh trong quá trình thăm khám, chăm sóc. Có hàng trăm thể bệnh tâm thần, mỗi người bệnh ở một thể khác nhau. Tuy nhiên cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện đều xác định được vất vả khi lựa chọn bước vào nghề vì vậy đều nỗ lực vượt qua khó khăn, rào cản. 

Bác sĩ Phùng Thị Minh Thuận, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Bệnh nhân bị bệnh nhưng lại nghĩ mình không có bệnh nên không chịu đi khám ở cơ sở y tế. Do đó, để hỗ trợ gia đình, Bệnh viện đã thành lập các tổ đưa, đón người bệnh. Thời gian đầu, chúng tôi phải dùng các thuốc an thần để bệnh nhân dịu đi các cơn kích động nguy hiểm. Tuy nhiên, sơ hở là bệnh nhân tìm cách trốn khỏi bệnh viện. Có rất nhiều khó khăn trong quá trình điều trị, trong đó phải kể đến việc đưa thuốc được vào người bệnh. Để làm được điều này, các điều dưỡng phải tìm mọi cách xoa dịu cơn kích động rồi mới có thể cho bệnh nhân uống thuốc. Bác sĩ điều trị đã vất vả nhưng vất vả nhất phải kể đến lực lượng điều dưỡng vì họ là người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, phải động viên, tư vấn và chăm sóc gần như toàn diện cho người bệnh từ khi vào đến khi xuất viện. Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho người bệnh, Bệnh viện cũng đã phát động rất nhiều phong trào như: Chăm sóc người bệnh bằng trái tim; coi người bệnh là trung tâm; phong trào 3 sạch (buồng bệnh sạch, người bệnh sạch và nhà vệ sinh sạch)... Các phong trào phát động đều nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, nhân viên y tế. 

So với các chuyên khoa khác, việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần có những khó khăn, vất vả riêng bởi nhiều bệnh nhân không ý thức được hành vi, cảm xúc, dễ gây thương tích cho người xung quanh. Tuy nhiên, mỗi cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tâm thần Thái Bình đều xác định đây là nhiệm vụ đặc thù và luôn động viên nhau cố gắng, coi người bệnh như người thân, bằng tình yêu thương, trách nhiệm giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng. Với sự tận tâm, tận tình và trách nhiệm của các bác sĩ, nhân viên y tế, nhiều người bệnh đã phục hồi sức khỏe tinh thần, có thể lao động, học tập, hòa nhập cộng đồng. Những người thầy thuốc đã mang đến “mùa xuân” cho người bệnh và gia đình của họ. 

 Điều dưỡng trưởng khoa Nữ Trần Thị Thanh Thủy, Bệnh viện Tâm thần Thái Bình đã gắn bó với công việc được hơn 20 năm. 

Hoàng Lanh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày