Thứ 2, 01/07/2024, 10:16[GMT+7]

Bệnh lùn sọc đen diễn biến phức tạp trên lúa mùa

Thứ 3, 29/08/2017 | 08:49:45
6,486 lượt xem
Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến ngày 25/8, tổng diện tích lúa mùa nhiễm bệnh lùn sọc đen toàn tỉnh là hơn 9.764ha. Hiện nay, cùng với các biện pháp xử lý bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa, các địa phương tiếp tục rà soát lại toàn bộ diện tích để thống kê, phân loại, xác định mức độ nhiễm bệnh cụ thể để kịp thời xử lý, tránh lây lan ra diện rộng.

Nhiều diện tích lúa của huyện Kiến Xương bị mất trắng do bệnh lùn sọc đen.

Chỉ sau ít ngày công bố dịch bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa, diện tích lúa bị nhiễm bệnh của huyện Kiến Xương đã tăng đột biến. Toàn huyện hiện có 2.054,6ha lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen, trong đó đã xác định 135ha bị mất trắng và diện tích bị nhiễm bệnh có thể chưa dừng lại ở con số này.

Ông Phạm Ngọc Tiến, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thượng Hiền cho biết: Địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phun trừ sâu bệnh đợt hai (từ ngày 12 - 16/8) nhưng cả xã vẫn có 25ha lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen, trong đó có 1,5 mẫu bị nhiễm nặng dẫn đến mất trắng. 

Kiểm tra tại ruộng nhà ông Phạm Xuân Xuyến, thôn Đông Khánh, hơn 2 sào lúa của gia đình ông đã bị lùn lụi, cán bộ bảo vệ thực vật xã và huyện xác định tất cả các cây lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Mặc dù đây là ổ bệnh nhưng cho đến thời điểm hiện tại việc nhổ bỏ, tiêu hủy nguồn bệnh vẫn chưa được nông dân và địa phương triển khai thực hiện theo hướng dẫn, chỉ đạo của ngành chuyên môn.

Thượng Hiền chỉ là 1 trong 37 xã, thị trấn của huyện Kiến Xương có diện tích lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen. Các xã có diện tích lúa nhiễm bệnh nhiều là Minh Hưng 237ha (8ha đã mất trắng), Hồng Tiến 270ha (2ha đã mất trắng), Lê Lợi 210ha (50ha đã mất trắng), Trà Giang 100ha (20ha đã mất trắng).

Tìm hiểu nguyên nhân bệnh lùn sọc đen gây hại lúa mùa dẫn đến mất trắng ở một số địa phương, ông Nguyễn Đức Thịnh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Hầu hết những diện tích lúa bị bệnh nặng là do nông dân không sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo của ngành chuyên môn để phun trừ rầy đợt vừa qua nên tạo nguồn môi giới truyền bệnh lùn sọc đen. Nhiều nông dân vẫn thờ ơ, chưa nhận thức đầy đủ về những nguy hại của bệnh lùn sọc đen nên không kịp thời phát hiện và xử lý nhổ bỏ, tiêu hủy những khóm lúa bị bệnh khiến cho bệnh lây lan ra diện rộng. Thực tế từ ngày 26/8 toàn huyện mới có 918ha lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen thì đến ngày 28/8 diện tích bị bệnh tăng lên 2.054,6ha và còn tăng cao trong những ngày tới.

Diễn biến bệnh lùn sọc đen rất phức tạp đe dọa đến an toàn các diện tích lúa mùa, song việc triển khai phòng, trừ ở Kiến Xương gặp nhiều khó khăn. Đối với diện tích lúa bị nhiễm bệnh nặng gây mất trắng, nông dân chưa nhổ bỏ để tiêu hủy nguồn bệnh vì diện tích quá lớn và bà con đang trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước trước khi nhổ bỏ. Những diện tích lúa mới nhiễm bệnh có tỷ lệ từ 5 - 10%, rất nhiều nông dân chưa thường xuyên kiểm tra, xác định rõ bị bệnh lùn sọc đen nên cố để lại, không thực hiện biện pháp nhổ bỏ, tiêu hủy những khóm lúa đã bị nhiễm bệnh nặng không còn khả năng cho thu hoạch theo chỉ đạo, khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Toàn huyện hiện có 120 đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, trong đó chỉ có 63 đại lý có giấy phép đăng ký kinh doanh, còn lại kinh doanh theo thời vụ không có giấy phép. Việc khó quản lý dẫn đến tình trạng một số đại lý tuyên truyền cho nông dân mua thuốc phun trừ bệnh lùn sọc đen, trong khi thực tế không có thuốc đặc hiệu để phòng, trừ loại bệnh này gây nên tốn kém chi phí cho nông dân mà bệnh lùn sọc đen vẫn tồn tại, phát triển từng ngày. Thêm vào đó, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, trên đồng ruộng lại có đợt rầy non lứa 6 nở rộ, đây chính là nguồn môi giới để bệnh lùn sọc đen tiếp tục gia tăng nếu nông dân không kiểm tra, phun trừ kịp thời.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kiến Xương kiểm tra bệnh lùn sọc đen ở xã Thượng Hiền.

Trước tình hình bệnh lùn sọc đen gây thiệt hại cho lúa mùa ngày càng nghiêm trọng, ngay trong sáng ngày 28/8, Huyện ủy Kiến Xương đã tổ chức cuộc họp khẩn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các biện pháp chống dịch bệnh lùn sọc đen, bảo vệ lúa mùa. Theo đó, huyện sẽ tăng cường cán bộ xuống cơ sở chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn cùng với nông dân kiểm tra, phát hiện, phân loại, thống kê chính xác diện tích lúa bị bệnh lùn sọc đen và vận động bà con nhổ bỏ, tiêu hủy ngay những khóm lúa, diện tích bị bệnh nặng không còn khả năng cho thu hoạch. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp khoa học phòng, trừ bệnh lùn sọc đen; không để nông dân sử dụng thuốc bừa bãi gây lãng phí và tốn kém tiền bạc. Các ngành chức năng tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; nghiêm cấm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để tổ chức hội thảo, quảng cáo, buôn bán thuốc trừ bệnh lùn sọc đen gây tổn thất cho nông dân. Nông dân các địa phương thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và xử lý rầy kịp thời theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

* Đến ngày 25/8, huyện Thái Thụy có 4.618,2ha lúa mùa nhiễm bệnh lùn sọc đen. Trước tình hình trên, huyện Thái Thụy thành lập 2 đoàn kiểm tra ở các xã có diện tích lúa nhiễm bệnh.

Bệnh lùn sọc đen phát sinh chủ yếu trên diện tích gieo sạ với các giống lúa thuần chất lượng như Bắc thơm 7, BC15. Qua kiểm tra ở các xã có diện tích lúa nhiễm bệnh, huyện Thái Thụy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, các HTX SXKD DVNN đẩy mạnh tuyên truyền, tránh gây tâm lý hoang mang cho nông dân. Tiến hành trừ rầy cho lúa mùa khi xuất hiện triệu chứng cây thấp lùn, lá màu xanh đậm, ngắn, xoắn,  phiến lá dày, rễ kém phát triển. Với bệnh lùn sọc đen hiện chưa có thuốc đặc trị, do vậy nông dân cần nhổ bỏ tiêu hủy cây lúa không có khả năng phục hồi, tránh phun thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, tốn kém mà không hiệu quả.

Hưng Hà phòng, trừ sâu đục thân cho 4.000ha lúa mùa

Hiện nay, lúa mùa của huyện Hưng Hà đang ở giai đoạn đòng già đến trỗ bông ở trà cực sớm và trà sớm, lúa đại trà đang trong giai đoạn làm đòng. Dự kiến đến ngày 31/8 lúa mùa trỗ được khoảng 100ha. Theo số liệu điều tra, hiện trên đồng ruộng sâu đục thân hai chấm trưởng thành có mật độ cao từ 0,1 - 0,2 con/m2, cục bộ 1 - 2 con/m2. Trứng sâu mật độ rải rác, nơi cao 0,2 - 0,3 ổ/m2. Đợt sâu này tập trung gây bông bạc cho diện tích lúa trỗ trước ngày 31/8 và gây thui đòng cho diện tích lúa trỗ từ ngày 1 - 5/9. Dự báo đầu tháng 9/2017 sẽ có đợt sâu đục thân hai chấm nở rộ và gây hại cho diện tích lúa trỗ sau ngày 5/9/2017.

Trước tình hình trên, huyện Hưng Hà đã chỉ đạo các địa phương tiến hành đợt phòng, trừ sâu đục thân hai chấm cho diện tích lúa trỗ trước ngày 5/9. Thời gian phun thuốc phòng, trừ từ ngày 25 - 29/8. Diện tích phun khoảng 4.000ha, trong đó, diện tích lúa trỗ trước ngày 31/8 phun đầu lịch, diện tích lúa trỗ từ ngày 1 - 5/9 tổ chức phun cuối lịch.

Phóng viên và CTV

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày