Thứ 5, 26/12/2024, 01:00[GMT+7]

Lê Lợi có nguy cơ mất mùa vì bệnh lùn sọc đen

Thứ 5, 31/08/2017 | 18:39:36
2,108 lượt xem
Hiện nay, xã Lê Lợi (Kiến Xương) là địa phương có diện tích lúa mùa mất trắng do bệnh lùn sọc đen gây hại lớn nhất tỉnh. Toàn xã có 210/400ha lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen; trong đó, có hơn 50ha bị bệnh nặng không còn khả năng cho thu hoạch. Gần 1.000 hộ nông dân nơi đây đang đứng trước nguy cơ mất mùa sớm vì bệnh lùn sọc đen.

Diện tích lúa bị bệnh lùn sọc đen quá lớn, việc nhổ bỏ, tiêu hủy lúa bị bệnh đối với nông dân rất khó khăn.

Tại cánh đồng thôn Đông Thổ,  ruộng lúa của gia đình ông Dư Văn Giang đã bị lùn lụi; sau trận mưa vừa qua, nước ngập gần tới ngọn lúa. Ông Giang cho biết: Vụ mùa này gia đình cấy 7 sào thì toàn bộ diện tích bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Vì diện tích lúa bị bệnh quá lớn nên không thể nhổ bỏ và dù địa phương tuyên truyền, vận động nhổ bỏ cũng không biết tiêu hủy ở đâu. Do lúa bị bệnh lùn sọc đen quá nặng nên gia đình xác định mất mùa rồi.

Còn ông Dư Xuân Hồng, nông dân thôn Đông Thổ buồn bã chia sẻ: Tất cả chi phí giống, công cấy, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh của gia đình bây giờ mất trắng vì bệnh lùn sọc đen. Rất mong nhà nước có cơ chế hỗ trợ, giúp đỡ để bà con bớt thiệt hại.

Theo ông Nguyễn Văn Ca, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Lê Lợi: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh lùn sọc đen bùng phát và gây thiệt hại lớn cho lúa mùa của địa phương là do rầy lưng trắng xuất hiện sớm trên diện rộng và có mật độ lớn bất thường so với mọi năm. Đây chính là nguồn môi giới truyền vi rút bệnh lùn sọc đen cho lúa mùa. Thêm vào đó, từ cuối tháng 7, hiện tượng lúa lùn lụi đã xuất hiện rải rác ở nhiều xứ đồng, nhưng các cán bộ chuyên môn và bà con nông dân chưa phát hiện đúng bệnh mà cho rằng lúa bị nghẹt rễ do ngộ độc hữu cơ nên chỉ tập trung xử lý bệnh lý này. Đến khi phát hiện ra bệnh lùn sọc đen thì đã muộn vì diện tích lúa bị nhiễm rất lớn, việc xử lý nhổ bỏ, tiêu hủy những khóm lúa bị bệnh nặng là quá khó khăn.

Hơn 50ha lúa bị bệnh lùn sọc đen ở mức độ nặng của xã Lê Lợi sẽ mất trắng trong vụ mùa này.

Để cứu vãn những diện tích lúa chưa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen, hiện nay, xã Lê Lợi đang tập trung tuyên truyền nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng; hướng dẫn nông dân các biện pháp phát hiện bệnh và kịp thời xử lý theo khuyến cáo của ngành chuyên môn là nhổ bỏ, tiêu hủy ngay những khóm lúa bị bệnh, không để lây lan ra diện rộng. Chỉ đạo nông dân không sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá cho lúa vào thời kỳ này; đồng thời tập trung phòng, trừ rầy từ nay đến cuối vụ, không để rầy trực tiếp gây hại và là đối tượng trung gian môi giới truyền bệnh lùn sọc đen cho lúa mùa. Cùng với đó, chính quyền xã Lê Lợi chỉ đạo cán bộ các thôn khẩn trương cùng với nông dân kiểm tra, phát hiện, phân loại, thống kê chính xác diện tích lúa bị bệnh lùn sọc đen. Tăng cường tuyên truyền để nông dân hiểu đúng bệnh lùn sọc đen, không mua các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ bệnh này nhằm tránh tổn thất thêm cho bà con.

Mặc dù đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, trừ bệnh lùn sọc đen, song vào thời điểm hiện tại, điều người dân cũng như cấp ủy, chính quyền xã Lê Lợi lo lắng là ngoài việc thất thu ở vụ mùa này thì công tác tiêu hủy nguồn bệnh gặp rất nhiều khó khăn và không biết bệnh lùn sọc đen có lưu chuyển sang vụ xuân năm sau hay không? Cùng với hy vọng Nhà nước có cơ chế hỗ trợ thiệt hại, địa phương rất mong các cấp, ngành và cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp giúp đỡ nông dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày