Chủ nhật, 24/11/2024, 23:41[GMT+7]

Học lịch sử qua những thước phim

Thứ 5, 07/09/2017 | 09:16:54
3,137 lượt xem
Khác với những giờ học quen thuộc trên lớp, thời gian qua, thầy trò nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh đã có những trải nghiệm hết sức ý nghĩa qua việc tìm hiểu lịch sử thông qua các thước phim điện ảnh theo chương trình “Đưa các tác phẩm điện ảnh và sân khấu vào trường học” do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn chuẩn bị bước vào giờ học ngoại khóa.

Sau 10 năm triển khai, chương trình đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi phương pháp dạy và học lịch sử trong nhà trường.

Trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, em Nguyễn Khánh Huyền, học sinh lớp 10D1 và những người bạn đến từ Trường THPT Lê Quý Đôn được thầy cô đưa đến một lớp học rất đặc biệt, đó là rạp chiếu bóng Thống Nhất, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thái Bình. Theo kế hoạch, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn sẽ được xem bộ phim Mắt biển, đạo diễn Đặng Thái Huyền do Điện ảnh Quân đội sản xuất. 

Khác với những lần đi xem phim khác, Huyền cho biết: Bình thường em cũng rất hay đi xem phim nhưng thường lựa chọn những bộ phim có tính chất giải trí mà ít khi xem những bộ phim về đề tài lịch sử nên cảm giác cũng khá lạ lẫm. Suốt gần 2 tiếng đồng hồ, qua những thước phim, người xem được ngược thời gian trở về với bối cảnh đất nước thời kỳ chiến tranh, chứng kiến câu chuyện tình giữa ba nhân vật Ngân, Thành và Vỹ. Ngân yêu Thành nhưng gia đình lại gả cô cho Vỹ vì hai bên có lời ước hẹn từ khi bố Ngân và bố Vỹ còn là đồng đội nơi chiến trường. Tuy đã là vợ Vỹ nhưng tình yêu Ngân dành cho Thành vẫn không thay đổi. Rồi một ngày, Vỹ và Thành cùng lên đường ra trận. Hết chiến tranh, Vỹ trở về trong sự vui mừng của gia đình và làng xóm. Đúng lúc ấy gia đình Thành nhận được giấy báo tử. Vỹ nhận ra rằng dù mình có cố gắng đến như thế nào thì vợ mình vẫn một lòng một dạ với tình yêu năm xưa nên đã quyết định giải thoát cho vợ. Còn Ngân, cô vẫn một lòng tin rằng tới một ngày Thành sẽ trở về. Không có cảnh khói bom thời chiến, cũng không có những tiếng súng chói tai, chỉ có một bối cảnh là cuộc sống nơi vùng quê ven biển bình lặng, yên ả, mạch phim cũng nhẹ nhàng song phim vẫn khiến người xem rưng rưng bởi nỗi đau, giọt nước mắt nghẹn ngào của người ở lại.

Kết thúc bộ phim, Nguyễn Khánh Huyền chia sẻ: Em ấn tượng mạnh với hình ảnh người mẹ đau khổ đến phát điên khi nghe tin con mình hy sinh, hình ảnh cô gái trẻ đêm nào cũng chạy ra biển, nơi hẹn hò trước đây cùng người yêu mong ngóng chàng trai trở về. Bộ phim đã giúp em có những hiểu biết sâu sắc hơn về thời chiến. Ở đó em thấy những hình ảnh rất khác xã hội ngày nay, đó là tình yêu chung thủy, sắt son, không màng danh lợi, vật chất, đó là những thanh niên có lý tưởng sống, không sợ hy sinh, không sợ gian khổ, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc, những người mẹ với trái tim đong đầy yêu thương nhưng cũng rất kiên cường. Có lẽ bởi có những con người như vậy mà đất nước ngày nay mới được hưởng hòa bình.

Còn Bùi Xuân Tiến, học sinh lớp 10D2 thì cảm nhận: Qua buổi xem phim em cảm thấy lịch sử không còn khô khan và khó nhớ nữa, những thước phim như thế càng thôi thúc em tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, em cảm thấy khâm phục và biết ơn công lao của các thế hệ đi trước, cảm thấy mình cần phải sống có trách nhiệm hơn, thấy tuổi trẻ cần có lý tưởng, mục tiêu phấn đấu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học lịch sử nước nhà. Người quan niệm: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Thế nhưng hiện nay, tình trạng giới trẻ vô tâm trước văn hóa dân tộc, không thích học lịch sử và thiếu hiểu biết về các giai đoạn phát triển của đất nước đang ngày càng trở nên phổ biến. Hậu quả nghiêm trọng của tình trạng này là hiện tượng suy thoái đạo đức, sự thờ ơ, thiếu mục đích sống trong thanh niên... 

Việc đưa những thước phim điện ảnh kể về lịch sử, truyền thống cha anh vào học đường sẽ góp phần làm cho giới trẻ nhận ra “sứ mệnh” của mình trong việc bảo vệ, tôn trọng những giá trị của lịch sử ngàn năm văn hiến…, hướng giới trẻ đến sự phát triển toàn diện về nhân cách, thúc đẩy họ có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.



Ông Khiếu Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thái Bình

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 283/UBND-VX ngày 8/3/2007 về việc giao cho liên sở: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức đưa các tác phẩm điện ảnh và sân khấu vào chương trình giáo dục ngoại khóa trong các trường học, Trung tâm đã thường xuyên liên kết tổ chức các đợt chiếu phim với các trường học. 10 năm qua, Trung tâm đã chiếu phim phục vụ hàng chục nghìn lượt học sinh. Chúng tôi mong muốn thông qua ngôn ngữ điện ảnh có thể định hướng thẩm mỹ tốt đẹp cho học sinh, giúp các em nắm chắc các môn học chính khóa, nhất là các môn như Văn, Lịch sử.


Chị Bùi Thị Kim Tuyến, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Lê Quý Đôn

Dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, Trường THPT Lê Quý Đôn đã tổ chức cho 1.890 đoàn viên thanh niên tham gia giờ học ngoại khóa tại rạp chiếu bóng Thống Nhất trong 3 ngày. Qua việc xem phim, mục đích của chúng tôi là giáo dục lòng yêu nước, khơi gợi cho các em lòng biết ơn thế hệ đi trước, những người đã không quản ngại hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Qua bộ phim, học sinh cũng có thể học thêm được nhiều điều về ý nghĩa cuộc sống, giúp các em ngày càng hoàn thiện mình.


Cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan, chủ nhiệm lớp 10D2

Trước khi đến buổi xem phim cũng có nhiều học sinh tỏ ra không hào hứng lắm với chương trình, một phần là do với nhiều em môn Lịch sử chưa thực sự thu hút, dẫn đến các em không chú trọng nhiều đến việc học môn học này. Nhưng sau khi xem tôi thấy thái độ của các em đã có sự thay đổi, các em đã bắt đầu có những sự tò mò và đặt ra những câu hỏi về những thời kỳ đã qua. Tôi nghĩ, nếu chương trình này tiếp tục được thực hiện sẽ góp phần vào việc giáo dục lịch sử rất hiệu quả.


Thảo Tiên