Thứ 3, 23/07/2024, 12:14[GMT+7]

Đông Quý tập trung dập dịch lùn sọc đen

Thứ 4, 13/09/2017 | 09:09:12
1,038 lượt xem
Trước diễn biến phức tạp của bệnh lùn sọc đen gây hại lúa mùa, thời gian qua, xã Đông Quý (Tiền Hải) đã có nhiều biện pháp kịp thời nhằm giảm thiểu đối tượng trung gian gây bệnh, quyết tâm không để bệnh lùn sọc đen lây lan ra diện rộng.

Nông dân xã Đông Quý dùng máy bừa dập diện tích lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen.

Đến ngày 6/9, diện tích lúa mùa của Đông Quý bị nhiễm bệnh lùn sọc đen là 264ha, trong đó có khoảng 136ha bị nhiễm dưới 5%; trên 123ha bị nhiễm từ 10 - 70% và 5ha bị nhiễm trên 70%. Để khống chế bệnh lùn sọc đen không lây lan ra diện rộng, hạn chế thiệt hại thấp nhất cho bà con nông dân, Đông Quý đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp như tiêu hủy những diện tích lúa bị nhiễm bệnh không có khả năng phục hồi; tuyên truyền nông dân chủ động phun thuốc bảo vệ thực vật diệt trừ rầy các loại - là đối tượng trung gian truyền bệnh trên toàn bộ diện tích. 

Ông Giang Văn Thiêm, thôn Lợi Thành cho biết: Vụ mùa năm nay gia đình cấy 8 sào, có 5 sào bị nhiễm bệnh lùn sọc đen trên 70%. Ngay từ đầu vụ gia đình đã được HTX khuyến cáo tình hình rầy lưng trắng gây hại đối với lúa mùa dẫn đến bệnh lùn sọc đen nên đã tập trung phòng, trừ. Tuy nhiên, do yếu tố thời tiết diễn biến phức tạp làm cho rầy phát sinh mạnh gây bệnh lùn sọc đen, vì vậy 5 sào lúa của gia đình không có khả năng phục hồi, phải phá bỏ. 

Những ngày qua, gia đình ông Thiêm đã được chính quyền hỗ trợ kinh phí để thuê máy về bừa dập toàn bộ diện tích lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen và rắc vôi bột xử lý triệt để mầm bệnh không để gây ảnh hưởng đến diện tích xung quanh và các vụ sau. 

Cùng có diện tích lúa mùa bị bệnh lùn sọc đen, bà Chu Thị Loan, thôn Trà Lý chia sẻ: Những vụ trước đây rầy chỉ xuất hiện ở đầu vụ và cuối vụ nhưng vụ mùa năm nay rầy lưng trắng nở rộ gây hại lúa ngay từ đầu vụ, kéo dài cho đến khi lúa làm đòng. Cây lúa bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân, mọc nhiều rễ chéo, các đốt ngắn lại và cứng dẫn đến lúa bị lùn lụi. Sau khi phát hiện lúa có bệnh lùn sọc đen, gia đình tôi đang tập trung xử lý bằng cách nhổ bỏ, vệ sinh đồng ruộng bằng vôi bột.

Ông Vũ Ngọc Xuyền, Phó Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Quý cho biết: Bệnh lùn sọc đen là bệnh rất nguy hiểm làm lúa không còn khả năng sinh trưởng và hiện nay chưa có thuốc để phòng, trừ. Hiện nay, công tác phòng bệnh lùn sọc đen tại địa phương được thực hiện tập trung, kịp thời, có hiệu quả. HTX đã tích cực tuyên truyền đến nông dân thực hiện tốt đợt phòng, trừ sâu bệnh do huyện phát động từ ngày 9 - 12/9, đặc biệt cần thực hiện tốt công tác phòng, trừ rầy lưng trắng và xử lý có hiệu quả diện tích lúa bị bệnh lùn sọc đen để tránh lây lan. Khuyến cáo nông dân phải thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm các khóm lúa có triệu chứng bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan nguồn bệnh. Cùng với đó, HTX đã phối hợp với ngành liên quan giám sát chặt chẽ đồng ruộng, có biện pháp thiết thực khi bệnh lùn sọc đen có khả năng lây lan ra diện rộng. Tổ chức các điểm bán thuốc bảo vệ thực vật tại các thôn, khuyến cáo nông dân dùng thuốc đặc hiệu theo chỉ dẫn của ngành chuyên môn, tránh mua các loại thuốc có nồng độ thấp phun không hiệu quả. Chỉ đạo tổ thủy nông điều tiết nước hợp lý bảo đảm cho bà con nông dân trong đợt phát động phòng, trừ sâu bệnh… 

Ngoài kinh phí hỗ trợ của tỉnh, xã cũng đã hỗ trợ cho các diện tích lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen nặng, công thuê máy bừa dập diện tích bị nhiễm bệnh không khả năng phục hồi.


Ông Vũ Văn Xuyền, Phó Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Quý:
Audio: pv_ong_vu_van_xuyen.mp3
 
Bà Hà Thị Chanh, thôn Lợi Thành, xã Đông Quý: 
Audio: pv_ba_ha_thi_chanh.mp3
 
Ông Đoàn Ngọc Doanh, thôn Lợi thành xã Đông Quý: 
Audio: pv_doan_ngoc_doanh.mp3
 
 


Mạnh Thắng


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày