Chủ nhật, 24/11/2024, 14:50[GMT+7]

Đông Hưng nhiều cơ chế hỗ trợ sản xuất vụ đông

Thứ 2, 25/09/2017 | 09:24:57
642 lượt xem
Thời điểm này, lúa mùa trà sớm của huyện Đông Hưng đang chuẩn bị cho thu hoạch. Nhờ chính sách hỗ trợ trong sản xuất vụ đông, nông dân trong huyện đang phấn khởi, tích cực chuẩn bị cho một vụ sản xuất mới.

Nhờ cơ chế hỗ trợ của huyện, nông dân Đông Hưng đầu tư mở rộng sản xuất cây màu. Ảnh: Đỗ Hiền

Vụ đông năm 2017, huyện Đông Hưng phấn đấu gieo trồng 4.755ha trở lên, trong đó nhóm cây ưa ấm 2.455ha, chủ yếu là ngô, bí xanh, bí đỏ, dưa các loại; 2.300ha cây ưa lạnh gồm khoai tây 500ha, rau các loại 1.800ha. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ khi xây dựng đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông, huyện chỉ đạo các địa phương quy hoạch cụ thể vùng cấy lúa mùa sớm, chỉ đạo cụ thể về cơ cấu giống ngắn ngày, thời vụ gieo cấy trà lúa mùa sớm; thống kê cân đối diện tích đất lúa, đất chuyên màu để bố trí nhóm cây vụ đông ưa ấm, ưa lạnh cho phù hợp. 

Ông Đỗ Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Vụ đông năm nay, bên cạnh những khó khăn khách quan như biến đổi khí hậu còn nhiều khó khăn chủ quan như tư duy của một bộ phận nông dân có quan điểm sản xuất để giữ đất, không đầu tư khoa học kỹ thuật; sản xuất theo chuỗi với sự tham gia của doanh nghiệp, áp dụng sản xuất an toàn còn yếu và thiếu, do đó, quan điểm chỉ đạo của huyện cần xác định rõ chủng loại cây có ưu thế của địa phương, ưu tiên mở rộng diện tích các loại rau ăn củ, quả có hợp đồng tiêu thụ, đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, ý nghĩa và giá trị kinh tế của sản xuất vụ đông, huyện cũng đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ giúp nông dân khắc phục khó khăn để sản xuất. 

Ngoài chính sách của tỉnh, huyện triển khai 4 chính sách hỗ trợ: hỗ trợ 100% tiền giống bí xanh, bí đỏ, ngô chất lượng (HN88) cho các xã mở rộng diện tích cây vụ đông; hỗ trợ 10 triệu đồng/ha khoai tây trồng giống mới để có nguồn giống sạch bệnh cho sản xuất vụ sau; hỗ trợ hạt giống rau cho các xã để mở rộng diện tích rau màu; hỗ trợ 3 triệu đồng cho xã (ban chỉ đạo xã) đạt và vượt kế hoạch vụ đông huyện giao, hỗ trợ 2 triệu đồng cho thôn (ban chỉ đạo thôn) đạt và vượt kế hoạch vụ đông xã giao. Đến nay, các địa phương tổ chức cấp phát hạt giống rau hỗ trợ của huyện để nông dân gieo, làm bầu chuẩn bị đưa ra ruộng. 

Bà Nguyễn Thị Thắm, thôn Kim Châu 2, xã An Châu cho biết: Gia đình tôi năm nay trồng 6 sào vụ đông gồm 3 sào ngô, 1 sào bí xanh, 2 sào bí đỏ. Sản xuất vụ đông mang lại giá trị kinh tế cao nhưng nhiều nông dân “ngại” vì chi phí sản xuất như giống, vật tư phân bón ngày càng cao. Được sự hỗ trợ của huyện về giống, gia đình tôi vừa giảm được một phần đầu tư vừa có nguồn giống chất lượng để gieo trồng nên tôi rất phấn khởi. 

Ông Đào Ngọc Thuấn, Giám đốc HTX DVNN xã An Châu cho biết: Vụ đông năm nay, An Châu phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu huyện giao 177,5ha. Phát huy thế mạnh của địa phương, HTX đã xây dựng cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung vào các cây trồng truyền thống như bí các loại 42ha, ngô 25ha, dưa 10ha, khoai 17ha, rau các loại 83,5ha. HTX liên kết với Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu Trần Vinh (Hải Dương) đưa giống bắp cải mới vào sản xuất với diện tích 3ha, liên kết sản xuất 5ha dưa chuột bao tử với Công ty Cổ phần Chế biến nông sản Hải Dương. Nhờ có cơ chế hỗ trợ của huyện, An Châu có 80ha cây màu vụ đông được hỗ trợ giống, qua đó tạo được phong trào toàn dân thi đua trồng cây màu vụ đông. HTX đề xuất với UBND xã có cơ chế hỗ trợ một phần giống cho các mô hình có bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, các giống rau như su hào, bắp cải, súp lơ nông dân đã gieo được 10 ngày; HTX đang tiến hành cấp giống hỗ trợ như ngô, bí xanh, bí đỏ cho bà con mang về ngâm ủ, gieo trong bầu, dự kiến rẽ lúa đưa ra ruộng trong khoảng đầu tháng 10.

Cán bộ HTX DVNN xã An Châu (Đông Hưng) cấp hạt giống hỗ trợ của huyện cho nông dân.

Cùng với chính sách của tỉnh, các cơ chế hỗ trợ của huyện là động lực để nông dân “bám” cây vụ đông. Tuy nhiên, để vụ đông giành thắng lợi cả về diện tích và giá trị kinh tế, các địa phương cần hướng dẫn, chỉ đạo bà con thực hiện đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống và đầu tư chăm sóc đúng quy trình.

Lưu Ngần