Thứ 6, 27/12/2024, 14:50[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về các dự án luật

Thứ 7, 23/11/2024 | 16:44:08
8,882 lượt xem
Sáng ngày 23/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang.

Góp ý tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị cần rà soát, thiết kế lại cấu trúc của dự thảo Luật. Theo đó, dự án luật cần bám sát ba nguyên tắc chính, cụ thể: không quy định lại những nội dung đã được quy định trong các luật khác; xây dựng theo nguyên tắc doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm và xác định đúng phạm vi điều chỉnh của luật, tránh chồng lấn, mâu thuẫn với các luật khác trong hệ thống pháp luật.

Cũng theo đại biểu, nhiều khái niệm trong Luật không cần thiết vì đã được quy định rõ ràng trong các luật chuyên ngành khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán. Mặt khác, cần chú trọng đưa ra định nghĩa rõ ràng, chính xác các khái niệm mang tính then chốt trong dự thảo Luật như "quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" và "vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp".

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ nên quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền của chủ sở hữu, không đi sâu vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và các bộ, ngành có liên quan; nghiên cứu bổ sung một điều khoản về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này.

Cũng tại phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu cho ý kiến về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám, gồm 8 chương, 73 điều. Tại dự thảo Luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, bao gồm: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số; hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số; doanh nghiệp công nghệ số; sản phẩm, dịch vụ công nghệ số;  tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; nhân lực cho công nghiệp công nghệ số,..

Cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số, các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng ban hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, tránh chồng chéo với các luật có liên quan, nâng cao tính quy phạm của các chế định trong dự thảo Luật, bảo đảm khả thi.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thống nhất với sự cần thiết về việc sửa đổi Luật Hóa chất, cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật sửa đổi với các chính sách lớn về hóa chất. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị trong dự thảo Luật cũng cần có những chính sách đầu tư thích đáng có chọn lọc tạo thành mũi nhọn và hợp lý cho ngành công nghiệp hóa chất tránh việc đầu tư tràn lan gây lãng phí tốn kém và không hiệu quả. Đề nghị nghiên cứu bổ sung làm rõ các quy định nhà nước đầu tư xây dựng phát triển công nghiệp hóa chất, xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn hóa chất quốc gia, cơ sở dữ liệu thông tin an toàn hóa chất; bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với nội dung hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; tăng cường thêm về quản lý sử dụng hóa chất,kiểm soát và truy xuất nguồn gốc của hoá chất, đặc biệt là các hoá chất nhập khẩu; thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc để theo dõi toàn bộ quá trình sử dụng và vận chuyển hóa chất; áp dụng mức phạt cao hơn đối với các vi phạm nghiêm trọng gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người và môi trường.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)