Chủ nhật, 24/11/2024, 16:00[GMT+7]

Tổ hợp tác chăn nuôi đoàn kết - Mô hình cần được nhân rộng

Thứ 5, 28/09/2017 | 08:56:42
643 lượt xem
Với mục đích giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, phát triển chăn nuôi bền vững, tổ hợp tác chăn nuôi đoàn kết của các hộ nông dân 3 xã: Hồng Lý, Hiệp Hòa, Phúc Thành (Vũ Thư) là mô hình cần được nhân rộng.

Mô hình chăn nuôi của gia đình chị Đoàn Thị Phượng.

Đến thăm trang trại nuôi lợn của gia đình anh Lê Quốc Văn, thôn Gia Lạc, xã Hồng Lý, chúng tôi ấn tượng bởi quy hoạch rất bài bản. Với diện tích 1.300m2, anh nuôi 300 con lợn thịt và 80 lợn nái trong 2 khu chuồng trại riêng biệt, khép kín. Các chuồng lợn đều được đánh số thứ tự và có bảng ghi chi tiết lịch ăn, tiêm phòng, khối lượng thức ăn… đối với từng đàn lợn. 

Là Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã, đồng thời là tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi đoàn kết, anh Văn cho biết: Tổ hợp tác chăn nuôi đoàn kết là cơ hội để các thành viên có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau mỗi khi gặp khó khăn về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi lợn, đặc biệt hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi còn được Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ vắc-xin tiêm phòng cho đàn lợn nên các thành viên ai nấy đều phấn khởi.

Cũng như gia đình anh Văn, gia đình chị Đoàn Thị Phượng, thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa rất hăng hái tham gia mô hình này. Với diện tích 4.800m2, chị Phượng dành 3.600mđể làm chuồng nuôi 370 đầu lợn, trong đó có 70 lợn nái và 300 con lợn thịt. Được sự hướng dẫn, tạo điều kiện của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình và Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau hơn 8 tháng tham gia mô hình cho thấy hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt. 

Chị Phượng chia sẻ: Trước đây, vợ chồng chúng tôi phải tự tìm đầu ra cho đàn lợn. Mọi thông tin từ dịch bệnh cho đến giá cả đều phải tự tìm hiểu nên rất khó khăn. Từ khi tham gia mô hình chăn nuôi này chúng tôi thấy rất hữu ích, mọi thông tin về giá cả, dịch bệnh đều được nắm bắt rõ ràng, kịp thời.

Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Lê Quốc Văn.

Mô hình liên kết chăn nuôi của tổ hợp tác chăn nuôi đoàn kết gồm 10 hộ với 12 thành viên được Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai từ tháng 1/2017 theo dự án xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh. Điều kiện của mô hình là mỗi hộ chăn nuôi tối thiểu 20 con lợn thịt hoặc 5 con lợn nái. 

Tham gia tổ hợp tác, các thành viên cùng nhau cam kết thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tương trợ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn trong quá trình chăn nuôi; chú trọng liên kết lựa chọn và sử dụng loại thức ăn có giá thành và chất lượng hợp lý, hướng tới sử dụng chung một loại thức ăn chăn nuôi theo hình thức ký hợp đồng trực tiếp với công ty, tìm đầu ra cho sản phẩm và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn cho các thành viên. Theo đó, tổ sẽ họp 1 lần/tháng vào ngày 20 hàng tháng và tổng kết kết quả hoạt động 1 lần/năm vào tháng 12 của năm.

Ông Nguyễn Trường Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Lý cho biết: Hồng Lý có 6 hộ dân tham gia tổ hợp tác chăn nuôi đoàn kết, đông nhất trong 3 xã. Từ khi tham gia tổ hợp tác, các gia đình rất thuận lợi trong việc chăn nuôi và xuất bán lợn. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động các gia đình tham gia tổ hợp tác này, ngoài ra còn liên kết với nhiều xã khác để mô hình này được nhân rộng và triển khai với quy mô lớn hơn, mang lại hiệu quả thiết thực cho người chăn nuôi.

Thu Trang