Chủ nhật, 24/11/2024, 01:10[GMT+7]

Sản xuất thủy sản tiếp tục gặp khó

Thứ 2, 09/10/2017 | 09:28:31
711 lượt xem
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg về thành lập khu kinh tế Thái Bình gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển. Một trong những mục tiêu lớn mà khu kinh tế Thái Bình hướng tới là phát triển các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có chất lượng đất tốt, nguồn lợi thủy sản phong phú.

Xử lý ngao, nghêu trước khi xuất khẩu tại Công ty TNHH Nghêu Thái Bình.

Đây là cơ hội lớn cho kinh tế biển của tỉnh phát triển, tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất thủy sản vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Những năm qua, ngành thủy sản của tỉnh phát triển mạnh cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến, là mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt gần 15.000ha, sản lượng gần 128.000 tấn, đóng góp trên 12% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Với gần 1.200 phương tiện hoạt động nghề cá, 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh đạt gần 39.000 tấn, tăng 7,07% so với cùng kỳ năm 2016, giá trị khai thác thủy sản đạt trên 575 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 10 cơ sở sản xuất giống thủy sản, 67 cơ sở ương dưỡng giống thủy sản nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của các hộ nuôi trồng, lượng giống còn lại phải nhập từ các tỉnh khác. Mặc dù tốc độ tăng trưởng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt khá cao, từ 9 - 10%/năm nhưng người dân và các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong nuôi trồng, khai thác và chế biến, kết quả thu được chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. 

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu giống, chất lượng giống chưa bảo đảm, người chăn nuôi chậm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi trồng nên dịch bệnh vẫn xảy ra, chất lượng đầu ra không cao khiến nhiều hộ nông dân thất thu. Khó khăn trong khai thác thủy sản cũng không ít, đặc biệt là dịch vụ hậu cần nghề cá như cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu; việc tiếp cận các nguồn vốn để đóng mới, cải hoán tàu cá đánh bắt xa bờ còn khó; tình trạng khai thác không đúng tuyến, sử dụng xung điện, lưới kích thước mắt nhỏ hơn quy định vẫn xảy ra; hệ thống thủy lợi một số vùng nuôi thủy sản đang xuống cấp; một số địa phương chưa quy hoạch được bãi triều nuôi ngao; một bộ phận người dân phát triển nuôi tự phát không theo quy hoạch…

Sản xuất cá giống tại Công ty TNHH Giống thủy sản Hải Long (xã Nam Cường, huyện Tiền Hải).

Số lượng doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia mua bán, chế biến và xuất khẩu hải sản ngày càng nhiều, quy mô lớn vừa thúc đẩy nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản phát triển vừa góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Tuy nhiên, việc thu mua, chế biến hải sản của các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn do thiếu nguyên liệu, tàu cá không vào bờ được do nước cạn, luồng lạch không được khơi thông…

 Ông Nguyễn Trọng Liên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thụy Hải (Thái Thụy) cho biết: Công suất của nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải II là 400 tấn cá tươi nguyên liệu/ngày nhưng do hiện nay cửa sông ra vào Công ty một tháng có khoảng 6 ngày thủy triều xuống, nước cạn tàu cá không vào được, cá nguyên liệu phải nằm lại trên tàu vài ngày, chất lượng thấp không chỉ gây thiệt hại cho ngư dân mà Công ty cũng bị ảnh hưởng. Nếu không sớm nạo vét luồng lạch cho tàu thuyền vào bán cá Công ty sẽ khó đạt chỉ tiêu 15.000 tấn thành phẩm/năm.

Ngay cả các doanh nghiệp mạnh dạn đi đầu trong đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản công nghiệp công nghệ cao cũng gặp khó khăn khi muốn mở rộng sản xuất. 

Anh Đỗ Quang Bốn, Giám đốc doanh nghiệp Phương Nam (xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy) cho biết: Doanh nghiệp chuyên sản xuất giống thủy sản và nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp công nghệ cao. Trong quá trình sản xuất, thủ tục hành chính đã được các cấp, các ngành liên quan tạo điều kiện nhưng vẫn còn quá nhiều đầu mối quản lý; khi muốn mở rộng sản xuất tại chỗ thì không có đất phải sang xã khác, khó khăn cho việc đầu tư và quản lý. Với Tiền Hải, tuy đã có mô hình hợp tác nuôi trồng, đánh bắt thủy sản hoạt động hiệu quả nhưng chuỗi liên kết sản xuất giữa người sản xuất và doanh nghiệp còn ít; số lượng tàu dịch vụ hậu cần, tàu thu mua cá trên biển còn ít; nghiệp vụ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên các tàu cá, nhất là tàu cá đánh bắt xa bờ còn yếu.

Trong thời gian tới, lĩnh vực thủy sản vẫn được xác định là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Để bảo đảm được tốc độ tăng trưởng dự kiến từ 9 - 10%/năm, tỉnh đã quy hoạch các vùng nuôi ngao tập trung, 3 vùng nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp công nghệ cao. 

Để sản xuất thủy sản phát triển tương xứng với tiềm năng, ông Bùi Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho rằng, tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn để các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay đóng mới, cải hoán tàu cá theo Nghị định số 67; bố trí vốn cải tạo, nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; nạo vét luồng lạch cho tàu thuyền ra vào các cảng cá, khu neo đậu được thuận tiện; tạo điều kiện cho các hộ không nằm trong vùng quy hoạch khu, cụm công nghiệp tiếp tục thuê lại bãi triều, bãi bồi ven sông, ven biển phát triển nuôi trồng thủy sản ổn định, lâu dài; xã hội hóa để quản lý tốt các cảng cá, khu neo đậu; xử lý nghiêm các hộ gia đình, doanh nghiệp chế biến hải sản không bảo đảm chất lượng…


Đỗ Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày