Thứ 4, 24/07/2024, 01:19[GMT+7]

Thái Thụy chú trọng giáo dục truyền thống cho học sinh

Thứ 2, 13/11/2017 | 09:07:38
795 lượt xem
Những năm gần đây, ngành Giáo dục huyện Thái Thụy chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục truyền thống trong các nhà trường, giáo dục đạo đức cho học sinh. Trong đó, lồng ghép nộ dung giáo dục truyền thống vào kế hoạch, nhiệm vụ năm học và thực hiện dưới nhiều hình thức, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) dâng hương tưởng niệm và tham quan Khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh.

Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (thị trấn Diêm Điền) được biết đến là ngôi trường đào tạo học sinh giỏi của huyện Thái Thụy. Trong những năm qua, công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường không ngừng được khẳng định và nâng cao, góp phần quan trọng đưa kết quả công tác bồi dưỡng học sinh giỏi bậc THCS của huyện Thái Thụy đứng ở tốp đầu của tỉnh. 

Cô giáo Trịnh Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhận thấy công tác giáo dục truyền thống cho học sinh có vai trò quan trọng nhằm phát triển toàn diện nhân cách cho các em, nhiều năm nay, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo chủ đề hàng tháng, hàng năm. Vào đầu năm học, nhà trường tổ chức buổi ngoại khóa tìm hiểu về thân thế, cuộc đời lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh cho tất cả học sinh mới vào trường. Cùng với đó, tổ chức cho học sinh tham quan thực tế tại Khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh để các em được tìm hiểu về công trình, kiến trúc, lăng mộ, gia cảnh của người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, qua đó giúp các em nêu cao tinh thần tự hào về ngôi trường cũng như hiểu biết về người con ưu tú của quê hương. Ngoài ra, hàng tháng, nhà trường phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin huyện tổ chức cho các thầy cô giáo, học sinh dọn dẹp, chăm sóc cây cối tại Khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh. 

Không chỉ riêng Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, trong những năm học gần đây, cùng với việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, nhiều trường học trên địa bàn huyện đã quan tâm chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trong đó có nội dung giáo dục truyền thống cách mạng cho các em, thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi học sinh. 

Đối với giáo dục mầm non, 49/49 trường mầm non trong huyện đã tích hợp, lồng ghép các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở bậc mầm non để hình thành và phát triển ý thức, hành vi, thói quen tốt, phù hợp với độ tuổi trong việc thực hiện nội quy, quy định của trường, lớp mầm non, trong gia đình và cộng đồng. 

Đối với giáo dục phổ thông bậc tiểu học, THCS, thực hiện tốt nội dung dạy học các môn đạo đức, giáo dục công dân trong chương trình sách giáo khoa hiện hành. Đến nay, 100% trường mầm non, tiểu học, THCS đã xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. 100% học sinh tiểu học, THCS tình nguyện tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, hoạt động lao động tập thể như phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ, giúp đỡ học sinh nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ký cam kết thực hiện an toàn giao thông, phòng, chống tệ nạn xã hội… 

Các trường làm tốt công tác giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đối với học sinh và giáo viên thông qua hoạt động ngoại khóa tìm hiểu, chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử tại các xã, thị trấn. Cùng với đó, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc nhân các ngày lễ lớn; thi viết bài, vẽ tranh chủ đề về biển, đảo Việt Nam, tham gia ngoại khóa tham quan trưng bày chủ đề “Biển đảo và chủ quyền biển đảo Việt Nam - những bằng chứng pháp lý và lịch sử”. 

Theo ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện: Trong những năm qua, công tác giáo dục truyền thống của ngành nói chung, trong các nhà trường nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Toàn ngành đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Triển khai thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động. Ngành đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện tôn tạo nghĩa trang 21/10 (xã Thụy Dân), tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm ngày cô giáo, liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân và các em học sinh cấp II Thụy Dân bị bom Mỹ sát hại. Bên cạnh đó, toàn ngành cũng làm tốt công tác giúp đỡ học sinh nghèo, cán bộ, giáo viên trong ngành có hoàn cảnh khó khăn… Hàng năm, cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành giúp hơn 3.000 lượt học sinh với số tiền trên 900 triệu đồng. Ngoài giúp đỡ về tiền mặt, cán bộ, giáo viên còn giúp học sinh bằng hình thức dạy thêm, tặng thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, tặng quần áo, đồ dùng học tập.

Những việc làm cụ thể, thiết thực trong công tác giáo dục truyền thống của ngành Giáo dục huyện Thái Thụy nói chung, các nhà trường nói riêng đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cho các em học sinh, đồng thời bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành. 

Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày