Thứ 7, 23/11/2024, 10:01[GMT+7]

Cái kết cho cuộc khủng hoảng “kỳ lạ” ở Zimbabwe

Thứ 4, 22/11/2017 | 08:14:55
886 lượt xem
Điểm lại lịch sử, những lần “sao đổi ngôi” trên chính trường châu Phi thường nhuốm màu bạo lực, nhưng giờ đây, các bên dường như dè chừng với sự đánh giá của dư luận quốc tế hơn trước.

Các nghị sỹ Zimbabwe ăn mừng khi Tổng thống Mugabe tuyên bố từ chức đêm 21/11 (giờ Việt Nam). Ảnh; AFP

Tình hình tại Zimbabwe tuần qua giống như là một cuộc đảo chính xảy ra trong phim, khi hàng đoàn xe quân sự nối đuôi nhau trên phố, Tổng thống bị giam lỏng tại gia và một vị tướng lĩnh hàng đầu xuất hiện trên truyền hình tuyên bố lập lại ổn định. Tất cả diễn ra chỉ trong một buổi sáng.

Nhưng những gì diễn ra sau đó lại không giống “kịch bản” thường thấy. Tổng thống Robert Mugabe không hề bị nguy hại, thậm chí vẫn tiếp tục nắm quyền dù có thể chỉ là về mặt lý thuyết, và quân đội thì vẫn gọi ông là “Tổng tư lệnh”.

Đảo chính không máu và nước mắt

Ngay cả khi Tổng thống Mugabe trốn tránh việc phải từ chức bằng cách thay đổi bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình tối 19/11 khiến bao nhiêu người thất vọng thì ông cũng chưa phải chịu bất cứ một hậu quả nghiêm trọng nào. Để tước quyền Tổng thống của ông Mugabe, Quốc hội Zimbabwe đã thúc đẩy một quá trình luận tội.

Tất cả những gì diễn ra ở Zimbabwe là một bức tranh đối nghịch hoàn toàn với nhiều cuộc đảo chính diễn ra ở châu Phi những năm gần đây, vốn thường nhuốm màu bạo lực, xung đột vũ trang để tranh giành quyền lực mà đôi khi kết cục là cái chết của nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm.

“Tôi nghĩ nguyên nhân của sự khác biệt đó một phần là vì đặc trưng tình hình ở đây, mà chủ yếu là do tính cách của ông Mugabe”, chính trị gia đối lập Zimbabwe David Coltart cho biết.

Ông Coltart nhận định: “Ông ấy [Mugabe – ND] được biết tới như là anh hùng giải phóng dân tộc và được tôn sùng ở hầu hết các nước châu Phi láng giềng bất chấp những tổn thất ghê gớm mà ông ấy đã gây ra cho đất nước này. Quân đội biết rằng việc làm tổn hại đến ông ấy có thể kích động sự giận dữ trên khắp châu Phi”.

Bài học lịch sử cho quân đội Zimbabwe

Đã có hơn 200 cuộc đảo chính quân sự ở châu Phi kể từ năm 1960 đến nay và rất nhiều trong số đó dẫn tới những thay đổi chấn động trong lịch sử của các nước cũng như cả khu vực, đồng thời luôn kèm theo cảnh “đầu rơi, máu chảy”.

Chẳng hạn như việc Tướng Idi Amin chiếm quyền ở Uganda từ tay Tổng thống Milton Obote năm 1971 đã khơi mào chuỗi ngày khủng bố bạo lực kinh hoàng mà đến nay vẫn ám ảnh đất nước này.

Hay mới đây là cuộc đảo chính ở Mali năm 2012 dẫn tới tình trạng bất ổn, tạo điều kiện cho phiến quân Hồi giáo chiếm đến một nửa vùng lãnh thổ phía Bắc cho tới khi quân đội Pháp can thiệp và lập lại trật tự.

Trong khi đó, Nigeria cũng đã trải qua đến 8 lần đảo chính trong hơn nửa thế kỷ qua.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Phi cũng đã bị ám sát khi đang nắm quyền, trong đó có Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo Laurent Kaila bị bắn chết năm 2001. Giai đoạn Chiến tranh Lạnh được cho là chứng kiến các cuộc đảo chính ở châu Phi xảy ra “như cơm bữa” và hầu hết đều vô cùng bạo lực.

Theo Nic Cheeseman, Giáo sư về dân chủ tại Đại học Birmingham (Anh), có lẽ chính vì thế mà trong vòng ít nhất 15 năm trở lại đây, “thái độ chống đảo chính quyết liệt” xuất hiện và lan rộng ở châu Phi.

Ông nêu rõ: “Các nhà lãnh đạo [ở châu Phi – ND] không thích hay không khích lệ các cuộc bầu cử tự do và công bằng cho lắm, nhưng đảo chính lại là hành động đe dọa tất cả mọi người. Vì thế sẽ dễ dàng hơn khi họ thỏa hiệp về các chuẩn mực chống lại đảo chính hơn là về các quy tắc dân chủ. Họ đang ngày càng khôn ngoan hơn để tránh bị chỉ trích khi tiến hành đảo chính”.

Điều đó cũng có nghĩa rằng, so với trước đây, các nhà lãnh đạo chiếm quyền cũng cẩn trọng hơn trong việc kiểm soát tình hình trong nước và phản ứng với dư luận quốc tế. Bởi nếu một cuộc chuyển giao quyền lực bị coi là vi hiến thì nó có thể dẫn đến việc quốc gia đó bị đình chỉ tư cách thành viên của Liên minh châu Phi (AU) và chịu những hậu quả nặng nề về nhận viện trợ và đầu tư nước ngoài.

Kịch bản nào cho Zimbabwe?

“Đất nước này đã thay đổi chỉ qua một đêm”, phóng viên McKenzie của kênh CNN (Mỹ) bình luận trên Twitter khi hòa vào dòng người ở thủ đô Harare ăn mừng việc Tổng thống Mugabe tuyên bố từ chức đêm 21/11 (giờ Việt Nam), ngay trước phiên họp đặc biệt của Quốc hội dự kiến để luận tội ông.

Thế nhưng, tương lai của Zimbabwe vẫn còn bất định.

Bởi Hiến pháp nước này quy định rằng Phó Tổng thống sẽ tiếp quản quyền lực trong vòng 90 ngày. Như vậy, người nắm quyền sẽ là ông Phelekezela Mphoko, 77 tuổi, được cho là thân cận với Đệ nhất Phu nhân Grace Mugabe, người phụ nữ có tham vọng kế nghiệp chồng và bị nhiều người đổ lỗi về tình trạng khủng hoảng chính trị hiện nay. Tuy nhiên, cả 2 nhân vật này đều đang yếu thế sau khi bị đảng cầm quyền ZANU-PF cách chức hôm 19/11.

Cánh cửa dinh Tổng thống Zimbabwe được cho là rộng mở nhất cho ông Emmerson Mnangagwa, Phó Tổng thống bị ông Mugabe cách chức 13 ngày trước nhưng vừa được đảng cầm quyền ZANU-PF chỉ định làm lãnh đạo lâm thời trong cuộc họp hôm 19/11 vừa qua.

Và về lâu dài, vấn đề lớn nhất ở Zimbabwe thực chất là căn bệnh trầm kha của nền kinh tế nước này. Do đó nhiệm vụ của một chính phủ mới, khi được thành lập, là phải nhanh chóng kêu gọi được tài trợ nước ngoài để vực dậy nền kinh tế. Nhưng điều đó sẽ khó có thể xảy ra nếu cộng đồng quốc tế nhận định rằng diễn biến vừa qua tại Zimbabwe là một cuộc đảo chính, điều mà quân đội nước này bác bỏ.

Cả AU và Cộng đồng phát triển Nam Phi (SADC) đều cẩn trọng trong việc đưa ra phản ứng trước tình hình ở Zimbabwe cũng như từ chối xác nhận có sự tiếp quản quyền lực tại nước này. Chính vì thế, giới chức quân đội ở Harare vô cùng hồi hộp dõi theo cuộc họp của SADC ở Angola để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Zimbabwe./.

Theo vov.vn