Chủ nhật, 05/05/2024, 11:36[GMT+7]

An Ký - xưa và nay

Thứ 3, 04/09/2018 | 08:45:32
5,681 lượt xem
Theo sử sách để lại, xã An Ký (xã Quỳnh Minh ngày nay) là nơi đặt khu quân sự bí mật của tổ chức Việt Minh huyện Quỳnh Côi (nay là huyện Quỳnh Phụ) từ những ngày đầu chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Nơi đây cũng là địa điểm Tỉnh ủy Thái Bình chọn mở lớp quân chính đầu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương. Quá khứ đã lùi xa nhưng dấu xưa vẫn còn lưu lại trên vùng đất địa linh này.

Đình làng An Ký, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) - di tích lịch sử cách mạng.

“Chiến khu B” của huyện

Ông Nguyễn Văn Chuyên, sinh năm 1930, 68 năm tuổi đảng là một trong những người góp công nghiên cứu, sưu tầm tư liệu xây dựng các cuốn lịch sử Đảng bộ xã Quỳnh Minh. Được tiếp xúc với những cán bộ tiền khởi nghĩa, lão thành cách mạng và các bậc cao niên trong xã nên nguồn tư liệu cách mạng về làng An Ký nói riêng, xã Quỳnh Minh nói chung ông Chuyên đều nắm rõ. 

Theo ông Chuyên, từ trước năm 1945 đến năm 1947, xã Quỳnh Minh ngày nay chính là xã An Ký, gồm các làng Thượng Xá, An Ấp, An Ký. Đến tháng 10/1947, thực hiện chỉ đạo của huyện Quỳnh Côi, liên xã kháng chiến Diên Hồng được thành lập từ 3 xã: Đại Nẫm, Tiên Bá, An Ký.

Những năm 1938, 1939, Mặt trận dân chủ do Đảng lãnh đạo phát triển mạnh mẽ. Một số thanh niên ở xã An Ký như Nguyễn Tiến Chinh, Nguyễn Văn Túy, Phạm Văn Sách, Nguyễn Văn Bỉnh đã tiếp cận được các tư tưởng của Đảng, chịu ảnh hưởng của phong trào dân chủ. Những người này sau khi tiếp thu tư tưởng yêu nước đã tiến hành tuyên truyền cách mạng. Nhiều người trở thành các nhân tố mở đường cho phong trào cách mạng, chuẩn bị giành chính quyền ở An Ký.

Theo lịch sử Đảng bộ xã Quỳnh Minh giai đoạn 1927 - 1954: Đầu tháng 4/1945, đồng chí Ngô Duy Đông, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy được phân công về huyện Quỳnh Côi trực tiếp chỉ đạo xây dựng huyện thành ATK (an toàn khu) của Tỉnh ủy; đồng thời, gấp rút chuẩn bị lực lượng tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau khi chắp mối liên lạc với Việt Minh huyện, Việt Minh xã An Ký được thành lập do đồng chí Nguyễn Tiến Chinh phụ trách. Các nhóm Việt Minh trong vùng thường hội ý với nhau tại An Ký để thống nhất tư tưởng, hành động và bàn biện pháp tuyên truyền giác ngộ quần chúng, tham gia cứu đói, nắm lực lượng bảo an để hoạt động...

Ông Nguyễn Văn Chuyên cho biết: Nhận thấy An Ký là địa điểm bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn nên đầu tháng 8/1945 Tỉnh ủy mở lớp quân chính đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khởi nghĩa cho các huyện. Lớp học đặt tại nhà chánh tổng Nguyễn Tiến Thiều và nhà đồng chí Nguyễn Tiến Chinh ở xã An Ký. Lớp có 40 cán bộ về học, do đồng chí Đoàn Thế Hùng và đồng chí Ngô Duy Đông là giảng viên chủ yếu trực tiếp truyền đạt. Theo kế hoạch, lớp học tổ chức trong 1 tháng nhưng vừa học được 1 tuần thì có lệnh về các huyện tổng khởi nghĩa. Ngày đó, tôi 15 tuổi được tổ chức Việt Minh của xã phân công làm liên lạc trong tổ chức.

Cũng như bao làng quê ở Thái Bình, khi lệnh tổng khởi nghĩa được ban hành, hàng trăm tự vệ, quần chúng ở An Ký mang theo vũ khí, gậy gộc rầm rập tiến sang Phụng Công (nay là Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ) cùng lực lượng khởi nghĩa khu B giương cao cờ đỏ sao vàng tiến về huyện đường Quỳnh Côi. Trước khí thế cách mạng của lực lượng khởi nghĩa, quan lại, lính tráng trong huyện đã tự giao nộp vũ khí, con dấu, sổ sách cho Việt Minh. Khi giành chính quyền ở huyện thành công, lực lượng cách mạng Quỳnh Côi và đại bộ phận tự vệ An Ký đã sang Tiên Hưng phối hợp với Việt Minh và quần chúng nhân dân Tiên Hưng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Đổi thay hôm nay      

An Ký xưa là làng kháng chiến kiểu mẫu thì Quỳnh Minh hôm nay lại mang sức sống mới của một xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đình làng An Ký, chứng tích về lịch sử cách mạng vẫn còn đó như nhắc nhở lớp lớp con cháu mai sau không bao giờ quên trang sử hào hùng của các thế hệ cha anh. 

Nhìn ngôi đình cổ trải qua bao thăng trầm của thời gian, ông Nguyễn Văn Chuyên bồi hồi nhớ lại: Khi cách mạng thành công, gông cùm nô lệ được rũ bỏ, ai cũng vui mừng khôn siết. Để cổ động toàn dân ủng hộ chính quyền cách mạng lâm thời và chào mừng ngày Quốc khánh 2/9, Việt Minh các làng ở An Ký dựng cổng chào, treo cờ đỏ sao vàng. Các làng tổ chức mít tinh tại đình làng dự nghe Tuyên ngôn Độc lập, giới thiệu về chính thể nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Đình làng An Ký được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là nơi canh gác bảo vệ lớp quân chính của Tỉnh ủy, nơi diễn tập lực lượng vũ trang khởi nghĩa Quỳnh Côi và cũng là trụ sở làm việc của vùng căn cứ du kích Diên Hồng năm xưa.  

60 năm qua, với quyết tâm đưa Quỳnh Minh phát triển toàn diện và bền vững, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, Đảng bộ xã đã lãnh đạo hệ thống chính trị triển khai thực hiện và đạt những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, diện mạo nông thôn đổi thay nhiều so với trước đây. 

Đồng chí Nguyễn Văn Huynh, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Minh chia sẻ: Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường. Đảng bộ xã Quỳnh Minh từ năm 1982 đến nay liên tục đạt trong sạch, vững mạnh trong đó 6 năm liền (2011 - 2016) đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, chính quyền đạt vững mạnh. Phát huy truyền thống quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Quỳnh Minh tự hào là xã đầu tiên của huyện Quỳnh Phụ về đích nông thôn mới vào tháng 7/2013.

Tất Đạt