Thứ 6, 10/01/2025, 10:10[GMT+7]

Câu chuyện đầu năm

Thứ 2, 25/02/2019 | 09:25:12
3,093 lượt xem
Trong ký ức của các bậc cao niên làng An Định, xã Tràng An, huyện Thụy Anh (nay là làng An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy) thì dư âm trận đánh ngày 18 tháng Giêng năm Canh Dần (ngày 6 tháng 3 năm 1950) của du kích, dân quân làng An Định chặn đội quân viễn chinh Pháp khi chúng tấn công vào làng vẫn còn vang vọng đến bây giờ.

Đài tưởng niệm trận đánh bảo vệ làng của du kích, dân quân làng An Định, xã Thụy Văn (Thái Thụy) ngày 18 tháng Giêng năm 1950 vừa mới được xây dựng.

69 mùa xuân qua đi và mùa xuân Kỷ Hợi 2019 này con cháu trong làng “đi xa về gần” đã góp công, góp của xây dựng lên tượng đài tưởng niệm trận đánh oai hùng của cha ông để lưu danh muôn đời...

Đến thăm và chúc tết Kỷ Hợi 2019 ông Nguyễn Mậu Tôn cán bộ hưu trí 55 năm tuổi đảng, nguyên là liên lạc viên xã đội Tràng An trong trận đánh lịch sử ngày ấy (nay là xã Thụy Văn), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thụy Văn, khi ông đang cùng ban quản lý di tích đình An Định đón khách. Ngôi đình An Định cổ kính, thiêng liêng bị đạn pháo quân địch đốt cháy ngày 18 tháng Giêng năm Canh Dần (1950) mới được con cháu trong làng góp công, góp của dựng lại ngay trên nền cũ. 

Ông Tôn bồi hồi nhớ lại thời điểm xảy ra trận đánh chặn cuộc tấn công ào ạt của đội quân viễn chinh Pháp (còn gọi là đội quân Âu Phi) vào làng kháng chiến An Định tờ mờ sáng ngày 18 tháng Giêng năm Canh Dần của lực lượng du kích, dân quân xã có sự yểm trợ của lực lượng quân đội chủ lực huyện Thụy Anh (nay là huyện Thái Thụy). Vũ khí của địch rất mạnh, chúng đi đến đâu là vãi đạn vào làng đến đó. Lửa cháy ngút trời. Lực lượng du kích và dân quân của làng An Định chỉ có một khẩu trung liên, 3 khẩu tiểu liên, hai súng phóng lựu và 10 khẩu súng trường với khoảng 300 viên đạn, 150 quả lựu đạn, 60 quả mìn còn lại là dao găm, mã tấu và lòng dũng cảm vẫn quyết hy sinh để bảo vệ làng.

Trước cuộc tấn công quy mô của đội quân viễn chinh Pháp vào làng kháng chiến An Định, Huyện ủy Thụy Anh nhận định tương quan lực lượng giữa ta và địch là quá chênh lệch nên chủ trương chỉ đạo dùng lực lượng vũ trang của huyện kết hợp với lực lượng du kích, dân quân và nhân dân làng kháng chiến An Định sẵn sàng chiến đấu với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ dân làng. Huyện Thụy Anh điều động bộ đội chủ lực đóng giữa chợ Giành (phía Tây của làng) hỗ trợ du kích chiến đấu. Mũi chủ công được bố trí phía Đông của làng, lực lượng ở mũi này chủ yếu là du kích và dân quân của làng An Định và sự hỗ trợ của du kích làng Văn Tràng. Trung đội bộ đội huyện làm nhiệm vụ chiến đấu cơ động. Lực lượng du kích cao tuổi (bạch đầu quân) đảm nhiệm nhiệm vụ tiếp tế. Đội nữ du kích, dân quân đảm nhiệm công tác cứu thương. Mỗi trung đội du kích, dân quân bố trí 3 thiếu niên làm nhiệm vụ liên lạc trong chiến đấu. 

Thời điểm sắp diễn ra cuộc chiến đấu đầy cam go, ác liệt giữa dân quân An Định với lực lượng đánh chiếm của địch, làng An Định bỗng bừng lên sắc xuân. Để thị uy quân địch, lực lượng kháng Pháp của làng đã họp bàn bố trí sơ tán các cụ già, em nhỏ còn lại số đông quần chúng nhân dân sẽ rút khỏi làng theo kế hoạch. Một lực lượng khác yểm trợ cuộc chiến đấu bằng cách reo hò, chiêng trống cổ vũ quân ta và đánh nghi binh lực lượng địch, để địch hiểu lầm lực lượng quân ta rất đông đồng thời uy hiếp tinh thần quân địch. 

Đúng như nhận định, mờ sáng ngày 18 tháng Giêng (ngày 6 tháng 3 năm 1950), quân Pháp nã pháo từ phía Vĩnh Bảo (Hải Phòng) vào thị trấn Diêm Điền và Hệ (Thụy Anh) sau đó chúng bắn cấp tập vào làng An Định. Khi những loạt đạn pháo vừa dứt quân viễn chinh Pháp với hơn 1.000 lính Âu Phi chia làm hai mũi tiến đánh An Định. Mặc dù có sự chuẩn bị chu đáo như rào làng kháng chiến, dùng các loại vật liệu lấp đầy cổng làng ngăn thiết xa của quân địch nhưng do có mật thám nằm vùng nên quân địch phá thế phòng thủ của quân dân An Định bằng cách mở đường tiến công không đi qua cổng làng. Mũi thứ nhất từ bốt Kha Lý quân địch tiến đánh Gia Đông, Văn Tràng; mũi thứ hai quân địch tiến đánh từ Diêm Điền chiếm mả Chúa để chặn đường tiếp tế của quân chủ lực ta. Lúc này pháo địch từ bốt Hệ và Vĩnh Bảo (Hải Phòng) lại tiếp tục nã vào làng An Định nhằm yểm trợ cho địch tiến vào làng thuận lợi. Thế và lực của địch rất mạnh, chủ trương của Huyện ủy Thụy Anh chỉ đạo quân dân làng An Định là đánh du kích, kéo lực lượng địch tản ra nhiều hướng để tiêu diệt. Quân Pháp vừa tiến vào mả Hạ ngay lập tức du kích An Định đã dùng súng bắn tỉa từng tên địch. Đồng chí Sướng một đảng viên du kích đã nổ phát súng đầu tiên tiêu diệt hai lính Âu Phi. Gặp sự phản kháng mãnh liệt từ cánh tập hậu, quân địch không dám tiến quân vào làng theo hướng cổng làng vì sợ quân ta gài mìn, chúng mở đường vào làng bằng các đường phụ thì gặp du kích bắn tỉa. Lùng bùng từ 7 giờ sáng đến 10 giờ trưa mà quân địch không thể phá thế phòng thủ của du kích làng An Định, chúng phải “đánh điện” kêu gọi sự yểm trợ của pháo binh. Nhận sự yểm trợ của pháo, quân địch dãn đội hình ra xa làng, pháo địch liên tục dội xuống làng từ phía Vĩnh Bảo (Hải Phòng), đạn pháo cày tung làng mạc, nhà cháy, đường hào bị cày xới, lực lượng quân chủ lực của huyện thương vong khá nhiều. Quân địch thừa thế xông vào làng, lực lượng du kích và dân quân làng An Định xông lên chiến đấu với tất cả tinh thần thà chết chứ không chịu sa vào tay giặc, hết đạn thì dùng dao găm, mã tấu len lỏi qua từng căn nhà đổ cháy để tấn công quân địch. Đồng chí Kiệm trung đội trưởng bạch đầu quân xông xáo chỉ huy lực lượng du kích đánh địch rồi anh dũng hy sinh. Cụ Nguyễn Văn Gúng đội viên bạch đầu quân cùng con rể bám làng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, hai cha con cùng hy sinh trên một đoạn hào. Hai chị em nữ du kích Nguyễn Thị May và Nguyễn Thị Mắn tuổi đời “đôi tám trăng tròn” kiên cường tham gia chiến đấu, tải thương. Trong lúc tìm cách cứu thương chị Mắn bị địch bắt sống, thấy em bị địch bắt, chị May đã rút chốt lựu đạn lao vào đám lính Pháp đang bắt giữ em, chị May ôm lấy người em và cho lựu đạn nổ tung, hai chị em hy sinh anh dũng. Đám quân Âu Phi cũng bị dính mảnh đạn chết gần hết.

Cuộc chiến đấu cảm tử giành giật quyền sống tự do, ấm no, hạnh phúc và hòa bình, bảo vệ làng, bảo vệ thành quả cách mạng của nhân dân làng An Định cùng lực lượng vũ trang huyện Thụy Anh kéo dài đến cuối ngày khi mặt trời xế bóng thì quân giặc cũng tìm cách rút lui. Tuy bị thương vong khá lớn, làng mạc gần như san phẳng nhưng tinh thần “thà chết nhất định không chịu sa vào tay giặc” của nhân dân làng An Định khiến đội quân viễn chinh tinh nhuệ của Pháp phải khiếp sợ. Một bên xâm lược với lực lượng hơn 1.000 tên địch trang bị vũ khí tối tân, có pháo binh yểm trợ; một bên là nhân dân làng An Định với lực lượng mỏng, vũ khí thô sơ, đạn dược ít ỏi nhưng tinh thần chiến đấu quả cảm, ngoan cường và lòng căm thù giặc xâm lăng sâu sắc đã viết lên trang sử chói lọi, một bản anh hùng ca bất hủ về tinh thần yêu nước thương nòi mãi sừng sững như tượng đài trong lòng các thế hệ người dân An Định.

Ông Nguyễn Mậu Tôn, 55 năm tuổi đảng, nguyên liên lạc viên xã đội Tràng An, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy

Tôi còn nhớ, trước lúc đánh trận, lực lượng du kích, dân quân của làng An Định chưa kinh qua chiến đấu, chưa từng nghe tiếng súng nổ. Để làm quen, nhiều đồng chí du kích, dân quân đã bí mật kéo sang Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tự nguyện tham gia đội quân chiến đấu để làm quen với súng đạn. Khi trở về tham gia chiến đấu bảo vệ làng các đồng chí ấy đã phát huy kinh nghiệm học hỏi được bên Vĩnh Bảo.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Vãn, 95 tuổi, nguyên đội viên du kích, thôn 2, làng An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy

Cầm chân địch đến 10 giờ trưa thì chúng tôi bị địch nã pháo. Chưa kịp củng cố trận địa thì giặc Pháp tràn vào, tôi bị giặc bắt, không kịp rút chốt lựu đạn tự sát. Mỗi đội viên du kích chúng tôi được phát hai quả lựu đạn nếu bị giặc bắt thì rút chốt cho lựu đạn nổ rồi tự sát.

Thương binh Nguyễn Đình Biền (tức Hùng) nguyên đội viên du kích, nguyên chiến sĩ Sư đoàn quân chủ lực 320, Đại đoàn Đồng Bằng, thôn 1, làng An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy

Trong trận chiến đấu tôi bị thương đầu gối, tôi xé quần băng cầm máu và tiếp tục chiến đấu, sau đó tôi được đưa về hậu tuyến cấp cứu. Lành vết thương tôi gia nhập quân đội. Ký ức về trận chiến năm ấy tôi không thể nào quên.


Quang Viện