Thứ 6, 10/01/2025, 10:17[GMT+7]

Không đầu hàng số phận

Thứ 4, 06/03/2019 | 08:48:26
2,333 lượt xem
Nhiều người sinh ra và lớn lên không may khi cơ thể bị khiếm khuyết. Trong hoàn cảnh đặc biệt đó, có người buông xuôi, mặc cảm nhưng trái lại có rất nhiều người đã không chịu đầu hàng số phận, từ bi quan họ vươn lên thành người có ích cho xã hội. Chị Phạm Thị Dung, thôn Cốc, xã Phú Châu (Đông Hưng) là một trong những người như vậy.

Chị Phạm Thị Dung trao quà cho người khuyết tật, phụ nữ khó khăn.

Ngay từ khi lọt lòng, đôi chân của chị Dung không may bị teo, khèo. Vượt lên trên nỗi đau và số phận nghiệt ngã, cùng tình yêu thương của bố mẹ, người thân, chị Dung đã nỗ lực trút bỏ mặc cảm tự ti, học nghề, dạy nghề miễn phí, làm cầu nối giữa các tổ chức, đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm với người khuyết tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong và ngoài xã. 

“Khuyết tật không phải là nguyên nhân để mình bỏ cuộc. Nếu mỏi hãy dừng chân, nếu mệt hãy nghỉ ngơi nhưng nhất định không được bỏ cuộc mà phải sống lạc quan, sống có ích” - chị Dung chia sẻ. 

Đó cũng là lý do chị chịu đựng nỗi đau về thể xác mỗi khi gắng sức tập đi bằng chính đôi chân tật nguyền của mình và đi học nghề xa nhà. Hạnh phúc vỡ òa khi chị trở thành cô giáo dạy nghề cho người khuyết tật ngay tại ngôi trường đã học. Song nhận ra nơi mình ở có nhiều người đồng cảnh ngộ cần chia sẻ nên chị Dung đã trở về quê dùng số tiền lương ít ỏi của mình mua 2 máy may mở cơ sở dạy nghề miễn phí, tổ chức làm nghề đan làn, móc hộp xuất khẩu, lắp ráp bật lửa ngay trong ngôi nhà chỉ vỏn vẹn dưới 20m2 - là nơi sinh sống của chị. Đến nay đã có hàng trăm người, trong đó chủ yếu là người khuyết tật, thanh niên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được chị dạy nghề đã sống được bằng nghề. 

Chị Nguyễn Thị Huệ, xã Chương Dương (Đông Hưng) cho biết: Tôi bị khuyết tật vận động, suốt ngày giam mình trong 4 bức tường, chỉ khi đến học nghề miễn phí tại nhà chị Dung, được nói chuyện, giao lưu với nhiều người cùng cảnh ngộ tôi mới lạc quan hơn với cuộc sống. Thạo nghề, tôi tự nhận bật lửa về nhà lắp ráp, mỗi tháng được khoảng 1 triệu đồng. Từ chỗ sống phụ thuộc vào bố mẹ, nhờ chị Dung tôi đã có việc làm, có thu nhập, tham gia các hoạt động xã hội dành cho người khuyết tật.

Không dừng lại ở việc dạy nghề miễn phí và tạo việc làm, chị Dung còn đứng lên thành lập câu lạc bộ người khuyết tật và trẻ mồ côi xã Phú Châu, đồng sáng lập câu lạc bộ trẻ mồ côi huyện Đông Hưng. Đây là mái nhà chung cho người khuyết tật, trẻ mồ côi gặp gỡ, chia sẻ vui buồn, động viên nhau cùng vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Chị Dung cho biết: Từ ngày thành lập đến nay, dù đi lại khó khăn song bằng nhiều hình thức như đi đến tận nơi, qua quen biết, qua công nghệ thông tin tôi đã kêu gọi, vận động các tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm trao hàng trăm suất quà, hàng trăm chiếc xe lăn, gậy chống, chăn ấm, áo ấm, hàng nghìn đồ dùng học tập, lọ thuốc xoa bóp cho người khuyết tật, phụ nữ, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Đặc biệt, năm 2018, chị Dung đã kêu gọi Quỹ cộng đồng Năng Đoạn Kim Cương Việt Nam (DCI) trao 120 triệu đồng hỗ trợ xây 4 nhà tình thương cho phụ nữ khó khăn về nhà ở của xã Phú Châu; trao hàng trăm suất quà, tiền mặt trị giá trên 100 triệu đồng cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người mắc bệnh tâm thần, lao phổi, người khuyết tật cô đơn của xã Phú Châu, Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Bình... 

Cũng trong năm 2018, chị Dung kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm bảo trợ mỗi tháng 200.000 đồng cho 2 đối tượng bị liệt. Nhân dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, chị Dung đã kêu gọi và tổ chức thành công chương trình tết chia sẻ yêu thương tặng 70 suất quà, trị giá gần 30 triệu đồng cho người khuyết tật, bệnh nhân nặng của xã Phú Châu và các xã lân cận. 

Chị Phạm Thị Hà, thôn Cốc (xã Phú Châu) cho biết: Sau bao năm mong mỏi, tết năm nay gia đình tôi đã được đón giao thừa trong ngôi nhà mới xây kiên cố. Tôi rất cảm phục, cảm ơn chị Dung đã kêu gọi Quỹ DCI hỗ trợ gia đình 30 triệu đồng để xây nhà. Để góp phần nâng cao dân trí, giữ gìn văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư, chị Dung đã ra mắt không gian đọc Tâm Hoa với nhiều đầu sách có giá trị phục vụ nhu cầu đọc cho mọi lứa tuổi tại địa phương.

Với những nỗ lực trên hành trình khẳng định mình và những việc làm thiện nguyện giúp người khuyết tật, học sinh khó khăn vượt khó, hòa nhập cộng đồng, chị Dung nhiều lần được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam và tỉnh Thái Bình khen thưởng.


Thu Hiền

  • Từ khóa