Thứ 7, 23/11/2024, 08:15[GMT+7]

Nuôi tôm nước lợ - tiềm năng và thách thức (Kỳ 2)

Thứ 3, 09/04/2019 | 08:40:40
3,523 lượt xem
Mặc dù nhận thức rõ tính ưu việt của nuôi tôm công nghệ cao nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc do thiếu vốn đầu tư nên phần lớn người nuôi tôm vẫn chưa thể thực hiện sản xuất theo quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ mới.

Thường xuyên kiểm tra tôm, tránh ảnh hưởng khí độc trong ao nuôi nhà bạt.

Kỳ 2: Không ít thách thức

Theo số liệu từ Chi cục Thủy sản, đối với nuôi tôm sú nước lợ, hơn 83,52% diện tích vẫn nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Hình thức này người nuôi thả giống với mật độ thưa, tôm sử dụng thức ăn sẵn có trong ao hoặc người nuôi bổ sung thêm một lượng nhỏ; kết hợp với thu hoạch các nguồn lợi tự nhiên khác nên năng suất thường đạt thấp, trung bình khoảng 490kg/ha, sau khi trừ chi phí hiệu quả kinh tế đạt khoảng 67 triệu đồng/ha/năm. Tôm sú nuôi bán thâm canh đạt hiệu quả cao hơn, năng suất bình quân khoảng 848kg/ha, trừ chi phí người nuôi thu lãi khoảng 134 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, hình thức này chỉ được áp dụng nuôi thả trên diện tích 366ha (16,48%) và khả năng kiểm soát môi trường ao nuôi cũng như dịch bệnh còn ở mức độ hạn chế, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. 

Còn đối với tôm thẻ chân trắng, việc nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh trong vùng chuyển đổi của toàn tỉnh là 240ha (chiếm 64,86% tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng). Tôm nuôi trong điều kiện ao đất (không lót bạt), hạ tầng thiếu đồng bộ (thiếu điện sản xuất, không có ao chứa, ao xử lý, nước cấp, nước thải...), không kiểm soát tốt môi trường và dịch bệnh nên tỷ lệ rủi ro cao. Một năm người nuôi thả từ 1 - 2 vụ (do thời gian cải tạo ao kéo dài), mật độ từ 40 - 100 con/m2, năng suất chỉ đạt từ 0,5 - 1 tấn/ha/vụ. Còn hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng công nghệ mới chỉ đạt 130ha, chiếm khoảng 35% tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và bằng 4,35% diện tích nuôi tôm nước lợ. Nguyên nhân chính là muốn áp dụng những công nghệ mới (công nghệ Biofloc, vi sinh, tuần hoàn ít thay nước, nuôi tôm qua đông trong nhà kính) cần nhiều vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng nuôi đồng bộ, khép kín gồm ao nuôi, ao chứa lắng xử lý nước cấp, nước thải; các loại máy móc, thiết bị phụ trợ như máy cho ăn, sục khí, quạt nước, dụng cụ quản lý môi trường... Cùng với đó, người nuôi tôm phải có trình độ kỹ thuật, trong khi phần lớn các chủ hộ nuôi chỉ là nông dân vùng biển sản xuất nhỏ lẻ, theo kinh nghiệm. 

Cải tạo ao nuôi tôm tại xã Thái Thượng (Thái Thụy).

Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến gần như năm nào trên địa bàn tỉnh đều xảy ra tình trạng tôm chết vì bệnh, dịch. Đáng chú ý tôm chết tại các năm đều do bệnh đốm trắng và rơi vào thời điểm từ tháng 4 - 6 của năm: tháng 5/2015, bệnh đốm trắng phát sinh tại xã Thái Đô (Thái Thụy) và xã Đông Minh (Tiền Hải) trên diện tích 4.274ha làm chết 2,215 triệu tôm giống; tháng 5/2016, bệnh tôm đốm trắng làm chết toàn bộ tôm nuôi của 271 hộ dân (115 ao nuôi tôm thẻ chân trắng và 336 ao nuôi tôm sú) thuộc hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải; tháng 5/2017, bệnh tôm đốm trắng xảy ra tại 8 xã thuộc hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy trên diện tích 64,434ha làm chết 25,135 triệu con tôm. Gần đây nhất, tháng 5 - 6/2018, tại 6 xã (Thụy Xuân, Thụy Hải, Thái Thượng, Nam Cường, Nam Thịnh, Đông Minh) thuộc hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy đã xảy ra tôm chết do vi rút đốm trắng với tổng 10,88 triệu con giống trên diện tích 26,52ha, chiếm 0,88% diện tích nuôi tôm. 

Một trong những khó khăn phải kể đến, đó là  hạ tầng 9 vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ tập trung của tỉnh được đầu tư từ năm 2001 - 2003, đến nay sau thời gian dài khai thác đã xuống cấp và thiếu đồng bộ (thiếu điện sản xuất, đường giao thông, kênh mương thủy lợi...), quy mô cơ sở nuôi manh mún không đáp ứng được với điều kiện sản xuất công nghiệp. Trên 2.900ha diện tích đầm ngoài đê quốc gia đã quy hoạch để phát triển nuôi tôm công nghệ cao nhưng hết thời hạn cho thuê đất từ cuối năm 2013, đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể để người dân tiếp tục thuê đất theo quy định, do đó các tổ chức, cá nhân không yên tâm đầu tư phát triển nuôi tôm theo quy hoạch.
Trong nuôi tôm, con giống có vai trò hết sức quan trọng quyết định sự thành bại của việc nuôi, tuy nhiên đến nay 99% lượng tôm giống phải nhập về từ các tỉnh ngoài (Nam Định, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa...). Do đó rất khó khăn cho công tác chủ động sản xuất, bảo đảm số lượng và chất lượng tôm giống cung cấp cho nhu cầu của người dân và gây khó khăn trong kiểm soát chất lượng, dịch bệnh tôm giống. 

Cùng với đó, do biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, thời tiết cực đoan, không theo quy luật, thời gian chính vụ nuôi tôm liên tục có mưa, bão lũ kéo dài; những tháng cuối năm ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp với mưa lớn hoặc do nền nhiệt trung bình vụ đông cao khiến phát sinh khí độc trong ao nuôi hệ thống nhà bạt cũng gây khó khăn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả nuôi tôm của người dân.

Ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải

Tiền Hải hiện có 5 vùng nuôi tôm tập trung tại các xã: Đông Hải, Đông Minh, Nam Cường, Nam Thắng và Nam Thịnh. Đường giao thông khu nuôi tập trung của 4 xã chưa được cứng hóa, riêng Nam Cường đã được cứng hóa nhưng đã bị xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Tình trạng chung của cả 5 vùng là hầu hết các ao nuôi có diện tích nhỏ, nông không bảo đảm cho việc sản xuất lớn; kênh cấp, thoát nước chưa được cứng hóa, kênh nông và hẹp không đáp ứng được nhu cầu sản xuất; cống cấp nước đang được sử dụng nhưng đã xuống cấp; hệ thống điện chưa hoàn chỉnh, đồng bộ.

Ông Vũ Hải Long, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản)

Ngoài những khó khăn do tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, thời tiết, môi trường vùng nuôi, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp, chưa có biện pháp ngăn ngừa một cách hiệu quả..., thì ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân ham rẻ nên lựa chọn con giống, thức ăn, hóa chất không rõ nguồn gốc dẫn đến dịch bệnh tác động lên đối tượng nuôi, ảnh hưởng năng suất, chất lượng tôm nuôi.


(Còn nữa)

Phan Lợi