Thứ 6, 10/01/2025, 16:16[GMT+7]

Cây bồ đề nơi cõi thiêng

Thứ 3, 16/04/2019 | 09:20:04
3,112 lượt xem
Đứng dưới gốc bồ đề xòa bóng mát ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nhìn về bốn phía điệp trùng hơn một đại đoàn bia mộ hàng ngang, hàng dọc - những người con đất Việt vì Tổ quốc mà hiến thân vì hạnh phúc của nhân dân mà nằm lại nơi này. Những người con quê lúa Thái Bình vinh dự tham gia xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã kể lại vinh dự của họ từ hơn 4 năm về trước.

Nơi cõi thiêng bất tử Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, phía sau Đài tưởng niệm ghi công các anh hùng liệt sĩ là cây bồ đề lớn cùng tuổi nghĩa trang tỏa cành, xanh ngắt cùng hàng vạn loài cây của đại ngàn Trường Sơn tỏa mát vùng đất thiêng. Có người nói rằng cây bồ đề của đức Phật gieo xuống vùng đất này để an yên linh hồn các anh hùng liệt sĩ siêu thoát nơi cõi tiên bất tử. Có một người lính ở Tiểu đoàn 674 Binh đoàn Trường Sơn có mặt ở nơi này từ ngày đầu xây dựng Nghĩa trang đã vinh dự được Tiểu đoàn trưởng Dương Mạnh Trác giao nhiệm vụ vào bản xin cây bồ đề về trồng sau Đài tưởng niệm, đó là cựu chiến binh Phạm Văn Lượng, 66 tuổi ở thôn Ái Quốc, xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. 

Ông Phạm Văn Lượng nhớ lại ngày 24/10/1975, ông được dự lễ khởi công xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang nằm trên ba quả đồi khu vực Bến Tắt, cạnh quốc lộ 15, thượng nguồn sông Bến Hải thuộc địa phận xã Vĩnh Tường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, với tổng diện tích trên 140.000m2. Đất nước vừa đi qua chiến tranh, Quảng Trị cũng vừa qua thời khốc liệt, chẳng biết bao người con đất Việt đã nằm lại dải Trường Sơn hùng vĩ, hồn thiêng của họ chung đúc trên ba quả đồi Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Buổi trưa tháng 5/1976, Tiểu đoàn trưởng Dương Mạnh Trác cùng chiến sĩ liên lạc Phạm Văn Lượng ra khu đồi trung tâm, nắng gió Trường Sơn ràn rạt cứ táp vào mặt hai người, những chiếc máy ủi, máy gạt hối hả san đồi tạo thế vững cho hương hồn liệt sĩ về đây yên nghỉ. Nhìn hàng nghìn hài cốt liệt sĩ đã được các đơn vị quy tập chờ đưa vào bia mộ dưới nắng chói chang, Tiểu đoàn trưởng Dương Mạnh Trác nói với chiến sĩ Lượng ngày mai chủ nhật Lượng vào bản xin một cây gì đó về trồng sau Đài tưởng niệm liệt sĩ cho đồng đội nhé, để mai sau có bóng mát đón thân nhân liệt sĩ viếng thăm nơi này. 

Cả buổi sáng, Phạm Văn Lượng vào bản gặp bà con dân bản, già làng gặp ai ông cũng kể về việc xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và muốn tìm một cây quý để trồng bên Đài tưởng niệm liệt sĩ. Một già làng nghe ông Lượng trình bày nguyện vọng gật gù: Nếu trồng cây ở Nghĩa trang liệt sĩ thì chỉ trồng cây bồ đề là tốt nhất, cây bồ đề cành lá sum xuê, sau này tỏa bóng mát quanh năm. Cây bồ đề được Phạm Văn Lượng đánh mang về chỉ cao hơn 1m, nhưng cân đối và rất đẹp, được Tiểu đoàn trưởng Dương Mạnh Trác giao cho chiến sĩ Lượng trồng cây bồ đề phía sau Đài tưởng niệm liệt sĩ. Hàng ngày Phạm Văn Lượng phải dùng đôi thùng đi gần cây số để gánh nước về tưới cho cây bồ đề. Năm 1981, Phạm Văn Lượng ra quân khi ấy cây bồ đề đã vươn cao và hơn 40 năm sau cây đã ôm trọn thân đài tưởng niệm, tỏa bóng mát cùng hàng vạn cây xanh của đại ngàn Trường Sơn che chở hương hồn của 10.333 liệt sĩ, cây bồ đề trở thành biểu tượng vĩnh cửu và vô giá nơi đất thiêng Trường Sơn.

 Không có được vinh dự trồng cây bồ đề nơi cõi thiêng Trường Sơn, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Minh ở số nhà 119 phố Lê Lợi, phường Đề Thám, thành phố Thái Bình, nguyên là chiến sĩ lái xe và thợ sửa chữa xe máy Tiểu đoàn 674 Bộ đội Trường Sơn cũng có vinh dự ngày đầu tham gia xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Có tay nghề cơ khí, lại nhanh nhẹn nên Nguyễn Xuân Minh được Tiểu đoàn giao phụ trách bộ phận lên khung sắt thép làm cổng chào, thân đài tưởng niệm, bia ghi công các anh hùng liệt sĩ. 

Ông Minh nhớ lại ngày đầu khi xây dựng Nghĩa trang, trang thiết bị của đơn vị thiếu thốn, việc uốn cọm sắt đều phải làm thủ công, được cử phụ trách bộ phận cọm sắt kỳ đài ông Minh đã có sáng kiến dùng sát xi khung dầm ô tô làm bàn vam uốn sắt, dùng xà beng công binh làm vam uốn vừa nhanh lại bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, luôn được thủ trưởng đơn vị khen ngợi; ngày làm xong kỳ đài, đơn vị đã ghi lại danh sách cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 674 cho vào lọ thủy tinh nhỏ gắn lên nóc kỳ đài, đến năm 2003 sửa chữa kỳ đài bị bỏ đi mất. 

Ở Thái Bình các nữ cựu chiến binh Nguyễn Thị Lành ở phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình; Bùi Thị Kiệm quê xã Thái Dương, huyện Thái Thụy; Phạm Thị Quy quê xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương; Nguyễn Thị Phương, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình; nữ doanh nhân Tạ Thị Hạnh, Giám đốc Công ty Chế biến hải sản An Bình, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy và nhiều cựu chiến binh là nữ bộ đội Binh đoàn Trường Sơn có vinh dự tham gia xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. 

Nữ doanh nhân, cựu chiến binh Tạ Thị Hạnh nhớ lại những ngày đầu đơn vị nhận nhiệm vụ xây dựng cõi thiêng liệt sĩ ai cũng lo lắng, bồn chồn, không khí lao động trên công trường khẩn trương, nhưng cẩn trọng và tỉ mỉ. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của hàng chục đơn vị trong toàn quân được giao nhiệm vụ xây dựng Nghĩa trang. Vừa xây dựng khu đài tưởng niệm trung tâm và các phân khu theo từng tỉnh trên ba quả đồi, vừa tiếp nhận hài cốt của các liệt sĩ từ nhiều tỉnh phía Nam chuyển ra. Có ngày bộ phận tiếp nhận hài cốt liệt sĩ đón nhận trên 900 hài cốt liệt sĩ từ các tỉnh Tây Nguyên, các chị phải làm nhiệm vụ đánh dấu, ghi lý lịch từng hài cốt, rồi chuyển về khu vực các tỉnh để các anh yên nghỉ, có những đợt hài cốt liệt sĩ chuyển ra khi tăng bạt đã mục, từng mẩu xương nhỏ cũng được các chị tỉ mỉ, thận trọng đưa vào mộ nơi các anh nằm, ngày đón hài cốt liệt sĩ, nhiều đêm đất thiêng lung linh như ngàn vạn sao sa huyền ảo, những bầy đom đóm dăng hàng, lập lòe, lập lòe, linh thiêng là thế nhưng không một ai cảm thấy nhột lòng mà chung tâm niệm vì nhiệm vụ, vì những người ngã xuống cho độc lập tự do, vì những người đồng đội nằm lại mãi nơi đất thiêng Trường Sơn. 

Những ngày tháng 4 hào hùng của dân tộc, tháng 4 sau 44 năm đất nước hoàn toàn sạch bóng quân thù, tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, hàng ngàn, hàng vạn lượt cán bộ, nhân dân, thân nhân các anh hùng liệt sĩ các cựu chiến binh, học sinh, sinh viên các trường học từ khắp mọi miền Tổ quốc và khách quốc tế viếng thăm thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Nơi này vùng đất thiêng, nơi các anh nằm hơn 40 năm về trước có những người con của quê hương Thái Bình đã góp sức dựng xây, góp phần tạc vào muôn đời sau kỳ đài vĩnh cửu Tổ quốc ghi công các anh hùng liệt sĩ ở đó có cây bồ đề linh thiêng.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)