Thứ 7, 23/11/2024, 06:28[GMT+7]

Hành trình “điện đi trước một bước” (Kỳ 2)

Thứ 5, 09/05/2019 | 08:39:33
1,384 lượt xem
Điện dành cho công nghiệp của tỉnh ta những năm qua đã có mức tăng trưởng khá, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn phát triển, tập trung vào các ngành sản xuất như: vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, cơ khí nhỏ, may mặc, chế biến nông sản...

Cơ sở may Quý Khang (xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy) tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Kỳ 2: Bừng sáng những vùng quê

Những năm qua, nhiều ngành nghề, công nghiệp phát triển, hàng trăm xí nghiệp có quy mô lớn đã hiện hữu ở các vùng nông thôn, các làng nghề bứt phá đi lên làm giàu cho xã hội. Có được những đột phá trên là sự đóng góp không nhỏ của ngành điện, luôn đặt nhiệm vụ chính trị bảo đảm cấp điện phục vụ sản xuất lên hàng đầu, cung ứng điện ổn định cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các địa phương. 

Điện dành cho công nghiệp của tỉnh ta những năm qua đã có mức tăng trưởng khá, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn phát triển, tập trung vào các ngành sản xuất như: vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, cơ khí nhỏ, may mặc, chế biến nông sản... 

Mấy thập kỷ qua, nghề dệt ở xã Thái Phương (Hưng Hà) vẫn duy trì và phát triển mở rộng. Từ những khung dệt thủ công sử dụng sức người là chủ yếu, nhưng giờ đây máy móc tự động đã thay thế sức người, mang lại hiệu quả năng suất gấp nhiều lần, đáp ứng sản lượng cung cấp cho thị trường. Hiện xã Thái Phương có trên 96 doanh nghiệp vừa và nhỏ, số doanh nghiệp sử dụng máy công nghiệp hiện đại gần 300 máy, có công suất cao gấp 3 - 4 lần máy dệt thủ công. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã thường chiếm 75% trong cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất làng nghề đạt trên 400 tỷ đồng/năm. 

Gia đình chị Trần Thị Lan ở thôn Phương La 1 làm nghề dệt đã nhiều năm nay, nhờ điện áp ổn định nên gia đình đã đầu tư 2 máy công nghiệp trị giá 460 triệu đồng. Máy công nghiệp tiếng ồn bé, lại dệt được 6 khổ khăn, còn dệt khung gỗ chỉ dệt được 3 khổ khăn, do đó máy công nghiệp mang lại thu nhập cao hơn cho gia đình. Ngoài ra, máy công nghiệp không phải ngồi liên tục như máy gỗ trước đây để thay suốt hoặc máy trục trặc, đứt sợi bởi máy công nghiệp nếu hỏng hoặc đứt sợi sẽ tự động dừng. Mức trung bình một tháng chị Lan thu nhập trên 8 triệu đồng. 

Còn xã Đông Phương (Đông Hưng) ngày càng có nhiều ngôi nhà mới khang trang, đời sống nhân dân được cải thiện. Chứng kiến khung cảnh làng quê giàu đẹp, văn minh hôm nay, ít ai ngờ rằng Đông Phương từng là một xã thuần nông nghèo khó. Điện về làng tạo đà cho những doanh nghiệp về đầu tư phát triển đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương, đem lại cuộc sống ấm no, sung túc cho người dân nơi đây. 

Ông Phạm Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến nay, trên địa bàn xã có 6 doanh nghiệp và nhiều cơ sở may gia công nhỏ, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động của địa phương. Công trình lưới điện được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới, không chỉ tạo ra nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho Đông Phương như gia tăng giá trị công nghiệp, tạo việc làm, an sinh xã hội, nguồn thu ngân sách, tạo môi trường thu hút đầu tư đồng thời còn góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất khác từ công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp đến thương mại, dịch vụ. 

Nghề dệt khăn tại xã Thái Phương (Hưng Hà) phát triển ổn định.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ra đời như các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở trồng rau trong nhà lưới... Việc ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp để hướng đến một nền nông nghiệp bền vững thì yếu tố “điện” đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Trong đó, để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy hải sản nói chung, nuôi tôm nói riêng phát triển đóng góp vào cơ cấu tăng trưởng kinh tế của tỉnh, ngành điện đã đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng cho người dân và doanh nghiệp. 

Chúng tôi ghé thăm mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Phạm Văn Nhàn, xã Nam Cường (Tiền Hải). Hầu hết tất cả các công đoạn phục vụ nuôi tôm đều tự động như: cho tôm ăn theo giờ, hệ thống điều tiết nước... 

Anh Nhàn chia sẻ: Máy móc phục vụ nuôi tôm có công suất  lớn, do đó nguồn điện phải ổn định để chạy máy sục khí, máy cho ăn tự động mới giúp cho tôm phát triển tốt, ít dịch bệnh. Hiện nay, gia đình đã áp dụng việc cho tôm ăn, điều tiết nước tự động để giảm chi phí và nhân công rất nhiều so với trước đây. Khi có việc bận, không có mặt ở đầm tôm, tôi vẫn cài đặt giờ cho tôm ăn theo đúng khẩu phần và giờ quy định. Nông thôn ngày nay đã có nhiều đổi thay, hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, đường làng, ngõ xóm nâng cấp mở rộng, được chiếu sáng ban đêm, giúp người dân đi lại, sinh hoạt dễ dàng, an ninh trật tự bảo đảm. 

Ông Đỗ Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Bắc Hải (Tiền Hải) chia sẻ: Trong xây dựng nông thôn mới, Bắc Hải chú trọng đến hệ thống chiếu sáng giao thông nông thôn bảo đảm an toàn giao thông đi lại trong ban đêm, an ninh trật tự, hạn chế tệ nạn xã hội và đời sống tinh thần, văn hóa của người dân được nâng cao hơn. Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng tại sân thể thao của các thôn bảo đảm điều kiện chiếu sáng. Ban ngày người dân bận đi làm nhưng ban đêm họ mới có thời gian, như 6 - 7 giờ tối vẫn đánh cầu lông và các hoạt động đi bộ nâng cao sức khỏe thì việc chiếu sáng là rất cần thiết khi xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Ông Hoàng Quốc Lập, Giám đốc Công ty TNHH 27/7 Tiền Phong

Nhà máy nước sạch Đông Huy (Đông Hưng) được xây dựng từ tháng 3/2014 đến tháng 2/2015, vốn đầu tư 60 tỷ đồng, cung cấp nước cho 10.000 hộ dân của 6 xã thuộc huyện Đông Hưng. Toàn bộ nhà máy tự động hóa, kể cả việc đánh rửa bể đưa tạp bùn sang bể chứa. Nhà máy có công suất 4.500m3/ngày đêm, nước sạch được bơm đẩy và cung cấp 24/24 giờ, do đó yếu tố nguồn điện ổn định là rất quan trọng cho công việc vận hành hệ thống bơm nước của nhà máy. Thời gian qua, điện áp nông thôn tại địa phương luôn ổn định, đáp ứng tốt cho hệ thống bơm cao áp của nhà máy hoạt động phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân, kể cả những gia đình ở xa hàng chục ki-lô-mét nước vẫn tự đẩy lên tầng 2.

Ông Nguyễn Xuân Phưởng, Giám đốc Công ty TNHH Da giày Thành Phát (xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình)

Một trong những yếu tố thành công của Công ty TNHH Da giày Thành Phát những năm qua là nhiều công đoạn sản xuất giày làm thủ công giờ đã được đầu tư máy móc, cùng với đó hệ thống chiếu sáng, điều hòa không khí tại các phân xưởng bảo đảm rất tốt cho công nhân có môi trường làm việc ấm về mùa đông, mát về mùa hè.  Công ty TNHH Da giày Thành Phát có 2 dây chuyền sản xuất, tạo việc làm cho hơn 800 lao động, sản lượng 2 triệu đôi giày/năm. Giai đoạn tiếp theo Công ty tiếp tục mở rộng thêm các dây chuyền sản xuất đế, hệ thống máy gò, máy chặt, dây chuyền may da... do đó Công ty luôn chú trọng bảo dưỡng định kỳ hệ thống lưới điện, bảo đảm các điều kiện vận hành không để xảy ra sự cố khi nhà máy nâng công suất.

Ông Phạm Văn Tuyển, xã Minh Quang, huyện Vũ Thư

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Hưởng ứng phong trào “thắp sáng đường quê” các hộ gia đình chung tay xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng ở khắp các tuyến đường trên địa bàn xã và được đông đảo bà con nhiệt tình hưởng ứng. Hệ thống chiếu sáng ở đường giao thông đầu tư xây dựng đã bảo đảm an toàn giao thông đi lại trong ban đêm, giảm thiểu tai nạn giao thông, an ninh trật tự được giữ vững trong từng thôn.


(còn nữa)

Mạnh Thắng