Thứ 7, 23/11/2024, 06:16[GMT+7]

Hành trình “điện đi trước một bước” (Kỳ 1)

Thứ 4, 08/05/2019 | 08:47:22
1,733 lượt xem
Trải qua nhiều năm phát triển, ngành điện Thái Bình luôn tự hào đã đóng góp một phần không nhỏ năng lực, trí tuệ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cùng các ngành thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các công trình điện được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Kỳ I: Dấu ấn thời gian

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, tỉnh ta đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư hệ thống lưới điện trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cung ứng điện phục vụ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đưa Thái Bình đứng đầu cả nước về quy mô phát triển lưới điện và quản lý điện nông thôn. 

Công ty Điện lực Thái Bình (PCTB) ngày nay tiền thân là Điện lực tỉnh Thái Bình được Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình quyết định thành lập vào ngày 8/6/1966. Trải qua nhiều năm phát triển, ngành điện Thái Bình luôn tự hào đã đóng góp một phần không nhỏ năng lực, trí tuệ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cùng các ngành thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ở giai đoạn nào ngành điện cũng luôn đi trước một bước, đặt ra yêu cầu bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân. Để đáp ứng nhiệm vụ trên, trong điều kiện kinh tế cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng còn nhiều khó khăn, ngành điện Thái Bình đã vượt lên những trở ngại về vật chất để phát huy sáng kiến kỹ thuật, phát triển hệ thống lưới điện đưa nguồn điện đến với sản xuất, phục vụ đời sống dân sinh. 

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quy mô phát triển lưới điện của Thái Bình còn khá khiêm tốn, thách thức hơn cả chính là việc phải xây dựng công trình trong điều kiện thiếu thốn trang thiết bị trầm trọng, công đoạn nào cũng chỉ dựa vào phần lớn sức người là chính. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh, chỉ trong một thời gian ngắn các công trình điện đầu tiên do ngành điện thiết kế và thi công các đường dây và trạm biến áp gồm: 2.010m đường dây trung thế, hạ thế và trạm biến áp 10/0,4kV-100kVA. Lần đầu tiên công trình đường dây 35kV và trạm biến áp trung gian 35/10kV ở huyện Tiền Hải, có khối lượng 20km đường dây và trạm biến áp dung lượng 1.000kVA; công trình đường dây và trạm 35kV Dương Thanh, huyện Thái Thụy được xây dựng, góp phần mở rộng và hoàn chỉnh lưới điện của tỉnh với mỗi huyện có một trạm 35/10kV để đưa điện vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp... 

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cùng với cả nước Thái Bình đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng cao cho sản xuất và đời sống của nhân dân, ngành điện tập trung khẩn trương thiết kế và thi công các công trình ở các cấp điện áp để phục vụ kịp thời cho những nhu cầu sản xuất của các địa phương, đặc biệt phục vụ phát triển nông nghiệp, những cụm cơ khí vừa và nhỏ... Lưới điện Thái Bình đã hình thành và phát triển mạnh ở cả 4 cấp điện áp 110kV, 35kV, 10kV và 0,4kV; quản lý 71km đường dây 110kV, 2 trạm biến áp 110kV dung lượng 70.000kVA, 1.246km đường dây trung thế, 14 trạm biến áp trung gian, 783 trạm biến áp tiêu thụ 35/0,4kV và 10/0,4kV. 

Công nhân Công ty Điện lực Thái Bình kiểm tra bảo dưỡng trạm biến áp.

Ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình chia sẻ: Từ những nỗ lực không ngừng vượt lên khó khăn, thách thức của ngành điện để đạt nhiều thành tựu quan trọng qua việc đáp ứng đủ nhu cầu điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giai đoạn 1991 - 1995, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra một số mục tiêu phát triển trong đó có “điện - đường - trường - trạm”, Công ty Điện lực Thái Bình đã tham mưu UBND tỉnh về phát triển điện khí hóa nông thôn. Nhờ đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút nhiều thành phần kinh tế với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cùng với việc huy động được nguồn lực to lớn của cả xã hội, công tác điện khí hóa nông thôn cũng được triển khai từng bước phù hợp tùy vào từng giai đoạn cụ thể. Đặc biệt, trong điều kiện nguồn vốn rất khó khăn, nhưng  với sự chỉ đạo của cấp trên, ngành điện Thái Bình đã huy động các nguồn lực rất lớn trong việc đầu tư lưới điện, truyền tải, mở rộng hạ tầng cơ bản hệ thống lưới điện phân phối; tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các địa phương và nhân dân trong tỉnh góp công, góp sức đẩy mạnh điện khí hóa nông thôn. 

Từ đồng lòng, quyết tâm sẽ thành công, năm 1994 toàn tỉnh đã có 100% số xã có điện, với 98,5% số hộ dân có điện lưới để phục vụ sản xuất và sinh hoạt; cơ sở vật chất về lưới điện đã có 72,6km đường dây 110kV, 3 trạm biến áp 110kV, với tổng dung lượng 95.000kVA; 1.622km đường dây 35, 10kV; 22 trạm biến áp trung gian; 1.414 trạm biến áp tiêu thụ với tổng dung lượng là 255.645kVA; hàng nghìn ki-lô-mét đường dây hạ thế ở tất cả các xã trong tỉnh. Sản lượng điện thương phẩm năm 1995 đạt 139 triệu kWh, tăng hơn 1,8 lần so với năm 1990. Từ đó tạo bước đệm cho hệ thống lưới điện Thái Bình đến nay đã có 35,7km đường dây 220kV; 1 trạm biến áp 220/110 kV (2 máy) với dung lượng 500MVA; 186,783km đường dây 110kV; trạm biến áp 110kV có 9 trạm/19 máy, với tổng dung lượng 662MVA; trạm biến áp 35/10kV có 19/38 máy, dung lượng 153.800kVA; trạm biến áp 35/0,4kV có 859/923 máy với dung lượng 51.158kVA; trạm biến áp 1 pha 35/0,23kV có 20/26 máy, dung lượng 2.490kVA; trạm biến áp 10/0,4kV có 2.327/2.351 máy, dung lượng 540.045kVA; trạm biến áp 1 pha 10/0,23 có 87/212 máy, dung lượng 12.150kVA; đường dây trung thế 2.305,828km (trong đó 10kV: 1.688,15km; 35kV: 617,678 km); đường dây 0,4 kV có 6.239,918km). Sản lượng điện thương phẩm đạt trên 2.037 triệu kWh. Hệ thống lưới điện phát triển ở cả 5 cấp điện áp, đặc biệt là lưới điện trung áp và hạ áp phủ khắp toàn tỉnh, chất lượng điện năng được cải thiện, công tác dịch vụ khách hàng được nâng lên đáp ứng đủ cho nhu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho cuộc sống người dân đổi thay rõ rệt. 

(còn nữa)

Mạnh Thắng