Thứ 4, 27/11/2024, 19:31[GMT+7]

Thái Thượng: Bảo đảm an toàn nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão

Thứ 3, 30/07/2019 | 08:41:22
2,352 lượt xem
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) được coi là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế biển của xã Thái Thượng (Thái Thụy). Vì vậy, việc bảo đảm an toàn sản xuất, phòng tránh thiệt hại cho các hộ NTTS luôn được địa phương đặc biệt quan tâm khi bước vào mùa mưa bão.

Hộ nuôi tôm công nghiệp xã Thái Thượng.

Thái Thượng hiện có gần 250ha NTTS nước lợ nằm ngoài đê biển, trong đó có hơn 30ha nuôi tôm công nghiệp hàng năm chịu tác động trực tiếp của các cơn bão. 

Theo ông Phạm Văn Đồi, cán bộ thủy sản xã: Trung bình 1ha nuôi tôm công nghiệp hộ nuôi phải đầu tư từ 2 - 3 tỷ đồng, thậm chí còn nhiều hơn. Với hơn 30ha nuôi tôm công nghiệp thì tổng số vốn người dân trong xã đã đầu tư tại vùng NTTS ngoài đê biển tới gần 100 tỷ đồng. Đó còn chưa tính đến các hộ đầu tư nuôi bán thâm canh, quảng canh. Vì thế, việc phòng, tránh để giảm thiểu thiệt hại trong NTTS mùa mưa bão luôn được địa phương quan tâm, triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho vùng NTTS.

Hàng năm, trước khi bước vào vụ nuôi thả, UBND xã chỉ đạo, đôn đốc các hộ nuôi trồng thực hiện tốt việc cải tạo ao đầm, đào đắp tôn cao thêm bờ đầm để phòng, tránh việc tràn ngập trong mùa mưa bão. Đồng thời, địa phương cũng thực hiện việc tu sửa cống đầu mối, nạo vét các kênh mương chính dẫn nước vào vùng nuôi tập trung... Trước khi có bão xảy ra, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nắm được tình hình thời tiết, chủ động các biện pháp bảo vệ diện tích thủy sản của mình. Khuyến cáo các hộ nuôi trồng tiến hành thu hoạch thủy sản trước khi xảy ra mưa bão nếu đạt kích cỡ thương phẩm.

Theo đánh giá của xã Thái Thượng, các hộ NTTS trên địa bàn nhìn chung không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mà rất chủ động các biện pháp gia cố bờ ao, đầm, chuẩn bị các dụng cụ như lưới, máy bơm, hóa chất, vôi bột để khắc phục kịp thời sự cố gây ảnh hưởng đến việc NTTS trong mùa mưa bão. 

Anh Đỗ Quang Bốn hiện là hộ nuôi tôm công nghiệp lớn nhất xã với diện tích 5ha ngoài khu vực đê biển xã Thái Thượng cho biết: Do đã đầu tư gần 20 tỷ đồng vào khu nuôi tôm công nghiệp nên tôi rất chủ động việc bảo đảm an toàn sản xuất trong mùa mưa bão. Ngay khi xây dựng ao nuôi, tôi đã đào đắp, gia cố bờ cao hơn so với mức trung bình vùng NTTS tập trung của xã tới 70cm để phòng, tránh việc ngập úng khi xảy ra mưa bão. Vào mùa mưa bão, tôi tháo dỡ bạt bóng che phủ cho ao nuôi để tránh gió lùa gây tốc bạt che; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết để tiến hành thu hoạch tôm khi đạt kích cỡ thương phẩm, đồng thời có biện pháp bảo vệ tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ nuôi trồng. Ngoài ra, trong mùa mưa bão thời tiết thay đổi đột ngột tác động mạnh đến môi trường ao nuôi, dễ khiến cho tôm nuôi yếu, mắc bệnh và chết. Vì thế, để hạn chế thiệt hại, tôi thường xuyên theo dõi sự thay đổi môi trường nước trong ao để điều chỉnh kịp thời bằng hóa chất, vôi bột, chế phẩm sinh học...

Cùng với việc phòng, tránh thiệt hại cho thủy sản thì nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động tại vùng NTTS ngoài đê biển cũng được xã Thái Thượng quan tâm đặt lên hàng đầu. Hiện nay, xã đã xây dựng phương án kiên quyết sơ tán người dân tại các chòi canh trông coi thủy sản ngoài vùng đê biển, di chuyển dụng cụ, thiết bị, vật tư vào nơi an toàn trước khi lũ, bão xảy ra. 

Ông Đỗ Khắc Bằng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm qua, công tác phòng, tránh thiệt hại trong NTTS mùa mưa bão đã được các ban, ngành, đoàn thể và người dân trong xã quan tâm, chủ động thực hiện có hiệu quả. Tuy diện tích NTTS ngoài đê biển của xã được phòng hộ bởi 4km đê bao, nhưng hiện nay đê đã xuống cấp và thấp nên mỗi khi có bão lớn xảy ra kết hợp với triều cường thì nguy cơ tràn ngập vùng NTTS là rất cao. Vì vậy, xã mong muốn cấp trên đầu tư cải tạo, nâng cấp 4km đê bao vùng NTTS của địa phương, để người dân yên tâm và mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích NTTS.


Trần Tuấn