Thứ 7, 23/11/2024, 07:01[GMT+7]

Sơn Tây: Bí quyết từ huy động sức dân

Thứ 5, 09/01/2020 | 14:55:56
1,159 lượt xem
Thực tiễn xây dựng nông thôn mới (NTM) ở không ít địa phương cho thấy nơi nào huy động được trí tuệ, tâm huyết, tiền của, công sức của người dân cùng với Nhà nước và địa phương thực hiện các tiêu chí NTM thì đều sớm đạt đích và ngược lại. Ở thị xã Sơn Tây, bài học kinh nghiệm được rút ra là để huy động được nguồn lực từ phía nhân dân, thì đảng bộ, chính quyền trước hết phải làm cho dân hiểu xây dựng NTM là sự nghiệp của chính nhân dân chứ không ai khác

Người dân xã Kim Sơn góp sức xây dựng kênh mương nội đồng. Ảnh: Luyện Đinh

Phát huy sự chủ động

Đến thời điểm này có thể khẳng định NTM như một cuộc cách mạng, giúp người dân bứt phá, làng quê thay da đổi thịt vươn lên cuộc sống mới. Điều này có thể dễ dàng thấy được thông qua các tiêu chí về chất lượng cuộc sống như cảnh quan môi trường, đời sống kinh tế…

Huy động người dân chung sức, phát huy sự chủ động là bài học nhãn tiền mà nhiều địa phương thuộc thị xã Sơn Tây đã triển khai thành công. Xã Kim Sơn là ví dụ. Theo tìm hiểu, xã Kim Sơn có 25km kênh mương nội đồng. Mặc dù Nhà nước hỗ trợ 100% nguyên vật liệu, nhưng theo tính toán, mỗi sào ruộng, hộ gia đình vẫn phải đóng góp 3 triệu đồng để chi phí thuê nhân công xây dựng công trình thủy lợi.

Trung bình mỗi gia đình có 3 sào ruộng, số tiền đóng góp lên tới gần 10 triệu đồng. Ở nông thôn, thu nhập của người dân còn hạn chế, việc đóng góp như vậy sẽ rất khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, đảng bộ, chính quyền xã Kim Sơn đã có sáng kiến huy động sức dân tham gia xây dựng công trình thủy lợi để tiết kiệm chi phí.

Theo Bí thư Chi bộ thôn Nghĩa Sơn Đỗ Hữu Canh, thôn có 315 hộ dân, ngay khi có chủ trương của xã, Chi bộ thôn Nghĩa Sơn đã tổ chức họp công khai, dân chủ, minh bạch với người dân, đồng thời ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng kênh mương nội đồng. Sau khi cân nhắc các phương án, các hộ dân đã thống nhất bỏ ngày công lao động để xây dựng kênh mương nhằm giảm kinh phí phải đóng góp.

Nhắc chuyện này, bà Hoàng Thị Tý, người dân thôn Ngải Sơn cho biết thêm: “Chúng tôi khi tham gia xây dựng NTM, ai cũng phấn khởi. Bởi Nhà nước đã lo giúp bà con nguyên vật liệu, chúng tôi góp ngày công, giờ làm. Nếu thuê nhân công, thuê đơn vị thi công, mỗi hộ dân phải góp vào xây đường, xây mương khoảng 3 triệu đến 7 triệu đồng. Mức đóng góp như vậy là quá cao với bà con. Nhờ sự tham mưu góp ý, tính toán có hợp lý của chính quyền và nhân dân, mỗi hộ dân góp công sức, góp giờ làm, góp thêm chi phí là 500 nghìn đồng một hộ. Và công việc này thực chất là có lợi cho chúng tôi, nên bà con ai cũng góp sức nhiệt tình lắm”.

Dân vận khéo mọi sự thành công

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, từ kinh nghiệm thực tiễn thành công trong công tác xây dựng NTM cho thấy, khi nhân dân đã hiểu được những chủ trương, chính sách của Đảng là đúng đắn thì việc triển khai thực hiện không còn là chuyện khó.

Tại xã Kim Sơn, để người dân hiểu và nắm bắt được chủ trương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kim Sơn đã trực tiếp xuống cơ sở cùng với các thôn họp dân, giải đáp thắc mắc để tạo sự thống nhất cao trong xây dựng công trình thủy lợi. Để bảo đảm chất lượng công trình, xã cũng đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế đo đạc...

Người dân góp sức xây dựng nông thôn mới. 

Nhắc chuyện này, bà Lê Thị Chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kim Sơn cho biết, đảng bộ, chính quyền nơi đây đã tích cực tuyên truyền, đã sâu sát đến từng hộ dân để bà con hiểu, xây dựng NTM là sự nghiệp của chính nhân dân, có lợi cho nhân dân. Việc cứng hóa giao thông nội đồng, mương nội đồng và nhiều phần việc khác có sự góp công không nhỏ của bà con. Bà con nhân dân ở đây rất tích cực tham gia các công trình, các phần việc xây dựng NTM, bởi họ xác định đó trước hết là vì lợi ích của chính bản thân mình, gia đình mình trong xây dựng, phát triển kinh tế.

Không chỉ riêng Kim Sơn, tại xã Thanh Mỹ, theo tìm hiểu mỗi người dân địa phương đều ý thức và xem xây dựng NTM trước hết là phục vụ lợi ích của chính bản thân nhờ vậy người dân nhiệt tình góp sức người, sức của. Theo tìm hiểu, sau quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa, địa phương có quỹ đất hơn 8ha phục vụ quy hoạch mở rộng sân bóng, nhà văn hóa, nghĩa trang nhân dân...

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước về vật liệu xây dựng, nhân dân Thanh Mỹ đóng góp hơn 1,6 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động, hiến hơn 1.000m2 đất ở, đất vườn để mở rộng thêm các tuyến đường. Phong trào xây dựng NTM phát triển mạnh, điển hình ở các thôn như Đồng Đổi, Thủ Trung, Quảng Đại...

Tại thị xã Sơn Tây, có một điểm đặc trưng là việc tuyên truyền và huy động nguồn lực trong nhân dân ở mỗi địa phương lại có những khác biệt, những sáng kiến, những cách vận động rất linh hoạt. Được biết, tính từ năm 2016 - 2018, trên toàn thị xã Sơn Tây đã vận động các cá nhân tổ chức, doanh nghiệp đóng góp công trình hiện vật và các hộ gia đình đóng góp hơn 41.000 ngày công, các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ 1,125 tỷ đồng tiền mặt, đặc biệt nhân dân hiến 26.109m2 đất.

Tiêu biểu như nhân dân xã Sơn Đông hiến 856m2 đất mở rộng nghĩa trang, nhân dân thôn Đồi Vua hiến 1.500m2 đất mở rộng đường giao thông nông thôn và đường nội đồng, đóng góp hơn 100 triệu đồng tiền mặt để sửa chữa, tôn tạo các khu di tích. Xã Cổ Đông cũng vận động nhân dân hiến 2.000m2 đất nông nghiệp, 2.500m2 đất ở và 5.444 ngày công lao động. Ngoài ra, xã Thanh Mỹ huy động nhân dân hiến 700m2 đất để mở rộng đường, ngõ, với tổng là 8ha đất để làm đường nội đồng...

Theo laodongthudo.vn