Nguyễn Đức Cảnh - người con ưu tú của quê hương Thái Bình
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước. Từ nhỏ, Nguyễn Đức Cảnh đã được thừa hưởng sự giáo dục Nho học của cha. Sau khi cha qua đời vào năm 1913, Nguyễn Đức Cảnh được bạn học của cha là tri phủ nhận làm con nuôi và cho đi học Trường Hương học. Sau khi học xong bậc tiểu học, năm 1923, Nguyễn Đức Cảnh được cho đi học tiếp ở Trường Thành Chung Nam Định. Tại đây, Nguyễn Đức Cảnh có điều kiện tiếp xúc, hiểu thêm thực trạng xã hội đương thời và kết bạn với những thanh niên tiến bộ như Nguyễn Danh Đới, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Văn Năng, Đặng Xuân Thiều. Hàng ngày, Nguyễn Đức Cảnh cùng bạn bè chứng kiến nhiều nghịch cảnh nên có ý thức căm ghét bọn thống trị, quan lại và hiểu rõ hơn nỗi nhục của người dân mất nước. Vì thế, Nguyễn Đức Cảnh rất say sưa tìm hiểu hoạt động chống Pháp của các chí sĩ yêu nước như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.
Năm 1925, Nguyễn Đức Cảnh cùng Đặng Xuân Khu và một số đồng chí khác tham gia cuộc vận động đòi thực dân Pháp ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh cũng là một trong những người lãnh đạo cuộc bãi khóa để truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh ở Nam Định. Sau cuộc bãi khóa, Nguyễn Đức Cảnh bị thực dân Pháp đuổi học.
Cuối năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh quyết định lên Hà Nội kiếm việc làm tự nuôi sống mình và tìm con đường hoạt động cách mạng. Làm công nhân, cùng đồng cam cộng khổ nên Nguyễn Đức Cảnh thấu hiểu nỗi thống khổ cũng như sớm nhận ra sức mạnh to lớn của đội ngũ công nhân lao động. Tháng 9/1927, Nguyễn Đức Cảnh tham gia lớp huấn luyện chính trị và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Cũng từ đây, Nguyễn Đức Cảnh được trang bị những lý luận cơ bản về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kiên định lập trường của giai cấp công nhân trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sau này. Sau khi về nước, Nguyễn Đức Cảnh được tổ chức phân công làm việc tại bộ phận in ấn ở phố chợ Đuổi (nay là phố Huế, Hà Nội); công việc hàng ngày là soạn thảo các tài liệu tuyên truyền trên cơ sở những lý luận cách mạng đã được học tại lớp huấn luyện chính trị, chuẩn bị nội dung các chỉ thị, nghị quyết của Tổng bộ Thanh niên và trực tiếp chuyển tài liệu đến các cơ sở nhằm giác ngộ quần chúng cách mạng. Tháng 2/1928, Nguyễn Đức Cảnh được Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ cử xuống Hải Phòng hoạt động. Từ khi còn làm việc ở Nhà máy cơ khí Ca-rông tại Hải Phòng, Nguyễn Đức Cảnh đã trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ, tuyên truyền giác ngộ lý luận cho công nhân và các tầng lớp cần lao.
Từ năm 1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ, được phân công phụ trách khu duyên hải Bắc Bộ. Ngày đêm lăn lộn trong các xóm thợ, nhà máy, xí nghiệp để vận động và giác ngộ công nhân, ngoài việc gây dựng tổ chức Thanh niên, đồng chí rất quan tâm gây dựng tổ chức Công hội trong công nhân. Cuối năm 1928, phong trào đấu tranh cách mạng phát triển đã khá mạnh ở Bắc Kỳ, Nguyễn Đức Cảnh viết tập tài liệu 16 trang với tiêu đề “Tổ chức Công hội” nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tài liệu được tổ chức bí mật in ấn lưu hành rộng rãi trong công nhân cả nước.
Không gian nếp nhà xưa trong Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy.
Tháng 3/1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng các thành viên tích cực của Kỳ bộ Hội họp tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội, thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước. Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, đồng chí tham gia thành lập tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành, phân công phụ trách công tác vận động công nhân và dự thảo thêm một số văn kiện của Đảng.
Là người được phân công công tác phụ trách vận động công nhân nên đồng chí được Đông Dương Cộng sản Đảng giao nhiệm vụ đứng ra thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Nguyễn Đức Cảnh đã xung phong đi “vô sản hóa” để có điều kiện gần gũi anh chị em công nhân. Đồng chí làm thợ quai búa ở Nhà máy cơ khí Ca-rông, làm phu khuân vác ở bến cảng, thực sự hòa mình với công nhân, học tập được ở họ nhiều đức tính quý báu đồng thời cũng giác ngộ cách mạng cho họ, gây dựng, củng cố một số cơ sở “Công hội đỏ” và trực tiếp lãnh đạo công nhân đấu tranh. Trước yêu cầu của phong trào công nhân, ngày 28/7/1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh Bắc Kỳ tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội. Đại hội quyết định thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Hội trưởng lâm thời, phụ trách tờ báo Lao động, Tạp chí Công hội đỏ. Ngày 28/7 sau này được lấy làm ngày truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, ngày 3/2/1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc). Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Trịnh Đình Cửu đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng tham dự hội nghị. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được chỉ định tham gia Ban Chấp hành Trung ương, cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp là Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng.
Đến cuối tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương cử vào tham gia Xứ ủy Trung Kỳ và được hội nghị toàn thể Xứ ủy bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy và phân công phụ trách công tác tuyên huấn, tham gia chỉ đạo phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Ngày 9/4/1931, trên đường từ cuộc họp quan trọng của Xứ ủy Trung Kỳ trở về cơ sở, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt và kết án tử hình. Những ngày sống trong xà lim án chém, với khí phách kiên cường của người cộng sản, đồng chí vẫn dành thời gian, tập trung sức viết cuốn “Công nhân vận động”. Trong tác phẩm này, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh một lần nữa khẳng định mục đích của Đảng Cộng sản là làm cách mạng vô sản, phá tan chế độ tư bản, áp bức bóc lột, xây dựng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản.
5 giờ sáng ngày 31/7/1932, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh hiên ngang bước lên máy chém tại pháp trường bên bờ sông Lấp, trước cửa nhà lao Hải Phòng. Cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời, đồng chí vẫn giữ trọn lòng thủy chung, son sắt với Đảng, với dân tộc, vẫn vững một niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng. Sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi đã góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, nêu tấm gương sáng ngời cho các thế hệ về sự kiên trung, tinh thần đấu tranh bất khuất của người chiến sĩ cách mạng.
Thái Bình tự hào là quê hương của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước, cách mạng của quê hương đã hun đúc, nuôi dưỡng tinh thần, khí phách cho người cộng sản kiên trung Nguyễn Đức Cảnh. Trong quá trình hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ nơi đâu đồng chí vẫn luôn quan tâm và hướng về quê hương. Khắc ghi công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, hơn 90 năm qua, phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, kiên cường, anh dũng trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tri ân công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với quê hương Thái Bình, tại thành phố Thái Bình và huyện Thái Thụy hiện có 2 tuyến đường, 2 trường học mang tên Nguyễn Đức Cảnh; tượng đài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được đặt uy nghiêm tại Quảng trường 14-10 (thành phố Thái Bình). Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) được tu bổ, nâng cấp, mở rộng khang trang, xứng tầm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Đồng chí Lê Xuân Quy, Chủ tịch UBND thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng để các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập và noi theo; tạo động lực quan trọng giúp thị trấn trong những năm qua hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Hiện nay, Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại thị trấn Diêm Điền được đầu tư xây dựng khang trang, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế thệ trẻ. Vinh dự, tự hào là quê hương của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Diêm Điền nguyện chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm xây dựng thị trấn ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Thái Thụy. Cụ Bùi Văn Ngẫu, 97 tuổi, 77 năm tuổi đảng, khu 3, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, có ý nghĩa lịch sử quan trọng không chỉ của huyện Thái Thụy mà của cả tỉnh Thái Bình. Chúng tôi luôn tự hào về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người con ưu tú của quê hương Diêm Điền. Việc tu bổ, nâng cấp, mở rộng Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh khang trang như hiện nay là việc làm thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, xứng tầm với công lao to lớn của đồng chí. Chúng tôi là thế hệ hậu bối, nguyện hứa tiếp tục phát huy truyền thống quê hương, giáo dục cháu con hiểu về những giá trị lịch sử của dân tộc, quyết tâm xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Tổ quốc mãi mãi trường tồn.Ông Võ Bá Tám, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội Tôi là thế hệ con em miền Nam tập kết ra Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ ngày còn công tác đến khi nghỉ hưu, mỗi lần về Thái Bình tôi đều đến dâng hương tại Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đến đây, chúng tôi hiểu thêm về quê hương Diêm Điền, có điều kiện hiểu nhiều hơn về người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những vị tiền bối sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mãi mãi là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.Bà Giang Thị Sến, cháu dâu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh Tôi rất đỗi tự hào khi về làm dâu dòng họ Nguyễn Đức ở Diêm Điền. Chồng tôi là cháu ruột của cụ Cảnh và là người coi sóc, khói hương Khu lưu niệm và khu lăng mộ của cụ. Từ ngày chồng tôi mất, với bổn phận là dâu con của dòng họ, tôi kế tục công việc hương khói và coi sóc Khu lưu niệm. Khu lưu niệm thường xuyên đón các đoàn của trung ương, tỉnh, các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, tưởng niệm. |
Nhóm phóng viên
Tin cùng chuyên mục
- Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo 24.11.2024 | 18:26 PM
- Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” 24.11.2024 | 18:26 PM
- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Ngô Đông Hải 24.11.2024 | 18:26 PM
- Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Bulgaria 24.11.2024 | 18:27 PM
- Lở đất ở Congo khiến ít nhất 9 người thiệt mạng, hầu hết là trẻ em 24.11.2024 | 15:27 PM
- Công an huyện Tiền Hải: Khởi tố đối tượng cướp giật tài sản 24.11.2024 | 15:29 PM
- Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và trao quà cho hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh 24.11.2024 | 15:30 PM
- PSG đứng trước bước ngoặt lịch sử 24.11.2024 | 20:12 PM
- Tổng Bí thư Tô Lâm gặp đại diện kiều bào tiêu biểu tại các nước ASEAN 24.11.2024 | 15:30 PM
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Campuchia 24.11.2024 | 15:30 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng