Thông cáo báo chí số 02, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
Thứ Tư, ngày 20/5/2020, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 9, khóa XIV tại Thủ đô Hà Nội.
Đúng 8 giờ, tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Lễ khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã diễn ra, bằng hình thức họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phiên khai mạc có sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đọc diễn văn khai mạc kỳ họp.
Phiên khai mạc trực tuyến được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp và có sự tham dự, đưa tin của hàng trăm cơ quan thông tấn, báo chí tại Trung tâm Báo chí Kỳ họp.
Ngay sau phát biểu khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe các báo cáo sau:
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội;
- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020;
- Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV;
- Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV;
- Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA);
- Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA);
- Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA);
- Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA);
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp trực tuyến dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
Sau đó, Quốc hội thảo luận về 02 Hiệp định sau: Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
Trong quá trình thảo luận, 09 đại biểu đã tham gia phát biểu ý kiến. Về cơ bản, đa số ý kiến nhất trí với nội dung Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về 02 Hiệp định nêu trên.
Thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, nhiều ý kiến đề nghị trong Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Hiệp định EVFTA cần: cụ thể hơn việc nội luật hóa các cam kết để thực thi Hiệp định. Quan tâm hơn nữa các chính sách với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao tính công khai minh bạch của môi trường đầu tư; tiếp tục đánh giá kỹ tác động của Hiệp định với Việt Nam; xây dựng các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực; so sánh tác động của thị trường EU với Việt Nam trong tương quan quan hệ với các thị trường khác để bảo đảm tính độc lập của nền kinh tế, thể chế chính trị; đẩy mạnh và đổi mới về nội dung, hình thức công tác thông tin, tuyên truyền nội dung Hiệp định, trong đó tập trung vào các đối tượng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, tạo điều kiện hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp thực thi hiệu quả Hiệp định.
Thảo luận về Hiệp định EVIPA, có ý kiến cho rằng Hiệp định sẽ có nhiều thách thức đối với doanh nghiệp trong nước vì năng lực cạnh tranh, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế; chúng ta không nên ban hành riêng một Nghị quyết của Quốc hội để công nhận và cho thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định EVIPA tại Việt Nam...
Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc Quốc hội phê chuẩn 02 Hiệp định nêu trên có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam; từ đó, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập sâu hơn với nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe:
- Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức;
- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức;
- Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về nội dung này.
Tại phiên thảo luận, về cơ bản, các ý kiến đại biểu nhất trí với Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Ngoài ra, các ý kiến thảo luận tập trung vào một số nội dung sau: sự cần thiết gia nhập Công ước; về việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật phù hợp với Công ước; cơ chế kiểm tra giám sát đối với việc thực thi Công ước…
Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, các ý kiến đại biểu đánh giá việc gia nhập Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức tại thời điểm hiện nay là rất cần thiết. Điều này thể hiện sự thận trọng của Đảng, Nhà nước trong việc ban hành các chính sách đổi mới chính trị, kinh tế, xã hội. Việc gia nhập Công ước phải thực hiện từng bước, có lộ trình, chuẩn bị kỹ càng để thực hiện Công ước. Việc gia nhập Công ước là phù hợp với tinh thần và nội dung cam kết quốc tế của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP và EVFTA; đồng thời, khẳng định Việt Nam tiếp tục tôn trọng và bảo vệ những quyền cơ bản của người lao động theo Tuyên bố của ILO. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Thứ Năm, ngày 21/5/2020, buổi sáng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Sau thảo luận, Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội nghe: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi);
- Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi);
- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Sau thảo luận, Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.
Theo: dangcongsan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ 26.11.2024 | 10:04 AM
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh