Thứ 3, 26/11/2024, 02:20[GMT+7]

Thảo luận tổ trước phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khoá XVI

Thứ 2, 07/12/2020 | 17:44:25
6,534 lượt xem
Chiều ngày 7/12, HĐND tỉnh chia tổ thảo luận: nội dung các báo cáo, tờ trình và các chương trình của kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVI.

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Hưng Hà thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 08122020_Thao_luan_to_mixdown.mp3

Dự thảo luận tổ có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh.

Các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2021; ghi nhận, đánh giá trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân, năm 2020 kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt kết quả rất đáng khích lệ. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng trưởng 3,23% so với năm 2019. Đặc biệt, Thái Bình đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan trong cộng đồng. 

Các đại biểu cho rằng, tỉnh cần có đánh giá cụ thể về kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 để rút ra các bài học kinh nghiệm, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ sát tình hình thực tiễn với các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 9,1% trở lên năm 2021.

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Thái Thụy thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm

Một số đại biểu đề nghị, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Thái Bình cần coi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, nông nghiệp công nghệ cao để lấy giá trị sản xuất nông nghiệp bù cho thiếu hụt sản xuất công nghiệp. Tập trung tháo gỡ thực chất khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn, đặc biệt là xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình để thu hút đầu tư. Cùng với đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, cấp phép đầu tư và giám sát sau đầu tư. Có các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối, các công trình trọng điểm. 

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: phân bổ vốn đầu tư công; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp; công tác quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường khu vực nông thôn; phát triển nghề và làng nghề; đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế cũng được các đại biểu quan tâm tham gia nhiều ý kiến.

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Kiến Xương thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm

Thảo luận về nội dung các tờ trình trình tại kỳ họp, các đại biểu cho rằng nội dung các tờ trình đều là vấn đề cấp thiết, cử tri và nhân dân toàn tỉnh rất quan tâm như: điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; xử lý các công trình cấp bách phục vụ đời sống dân sinh; tăng cường cơ sở vật chất cho một số trường học; điều chỉnh quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh… Nếu các nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành sẽ giúp cơ sở tháo gỡ những khó khăn, phục vụ tốt đời sống dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2020, HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới về phương thức và nội dung hoạt động nên chất lượng ngày càng được nâng cao, đề nghị thời gian tới HĐND tỉnh tổ chức tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021, đồng thời tham gia thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trong phiên thảo luận tổ chiều ngày 7/12, các đại biểu cũng đăng ký nội dung thảo luận và chất vấn tại phiên họp ngày 9/12.

Phóng viên Báo Thái Bình lược ghi một số ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 7/12:

Đại biểu Tô Quý Bôn, tổ Tiền Hải

Qua nghiên cứu các báo cáo trình kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khoá XVI, tôi rất vui mừng, phấn khởi vì trong điều kiện có rất nhiều khó khăn song kinh tế của tỉnh năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng 3,23% so với năm 2019. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được thực hiện kịp thời, tạo sự yên tâm, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân. Tôi cũng đồng tình với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021, tuy nhiên để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 9,1% cần sự nỗ lực quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, các giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu rất cụ thể, nhưng để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh cần có giải pháp đồng bộ tạo nguồn lực để các xã đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ hơn lợi ích mà nông thôn mới mang lại, từ đó các địa phương có thể huy động được các nguồn lực từ nhân dân để xây dựng thành công nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đại biểu Lê Văn Khoa, tổ Thái Thụy

Cử tri khu vực Thái Thuỵ đều rất vui mừng, phấn khởi khi Khu kinh tế Thái Bình và tuyến đường bộ ven biển được đầu tư xây dựng. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để tạo đột phát cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, khu vực Thái Thuỵ nói riêng. Tuy nhiên, đề đẩy mạnh thu hút đầu tư, tôi kiến nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh có cơ chế đầu tư nguồn lực nạo vét cảng Diêm Điền tạo điều kiện cho tàu lớn ra vào cảng, phục vụ sản xuất kinh doanh trong Khu kinh tế; huy động nguồn lực xây dựng tuyến giao thông kết nối với tuyến đường bộ ven biển với đường Thái Bình - Hà Nam để rút ngắn thời gian và hành trình lưu thông. Khi giao thông thuận lợi, sẽ là cơ hội để Thái Bình thu hút đầu tư vào tỉnh và mở rộng giao thương, kết nối với các tỉnh khu vực duyên hải Bắc Bộ.

Đại biểu Nguyễn Minh Thắng, tổ Quỳnh Phụ

 Những năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng, làm mới nhiều tuyến đường và cây cầu, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, có một số dự án mở rộng, nâng cấp đường giao thông dù đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng lại chậm được triển khai như đường 455 đi từ xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ) sang huyện Hưng Hà, từ xã Vũ Hạ (Quỳnh Phụ) đi huyện Thái Thụy… Những tuyến đường này lưu lượng người và xe tham gia giao thông lớn, đường lại chật hẹp, xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư liên quan đến lĩnh vực giao thông. UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm triển khai các dự án, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi hàng hóa.

Đại biểu Lê Hồng Sơn, tổ Hưng Hà

 Những năm qua, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Nhất là cơ chế hỗ trợ quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào phát triển sản xuất an toàn, bền vững; bước đầu đã thu hút được một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia đầu tư, tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất có hiệu quả. Song cơ bản sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, việc tích tụ ruộng đất chưa nhiều, chưa phát huy được sản phẩm truyền thống, đặc thù của địa phương để sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ nông sản. Tôi đề nghị HĐND tỉnh nghiên cứu ban hành chính sách nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất theo chuỗi, tiêu thụ nông sản cho bà con. Bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh của địa phương.

Đại biểu Đặng Văn Đằng, tổ Quỳnh Phụ

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, ảnh hưởng tới năng suất cây trồng cũng như chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, việc kinh doanh buôn bán các mặt hàng này diễn ra tràn lan, một số cửa hàng tạp hóa bán bánh kẹo cũng tranh thủ thời vụ bán cả thuốc bảo vệ thực vật và phân bón rất nguy hiểm cho người tiêu dùng. Đáng nói là việc này diễn ra lâu nay nhưng chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc kiểm tra, xử lý. Vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Nguyễn Hình - Thu Hiền