Thứ 7, 23/11/2024, 22:01[GMT+7]

Tiếp tục thảo luận tổ đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XVII

Thứ 3, 13/07/2021 | 18:46:59
2,766 lượt xem
Chiều ngày 13/7, kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp tục chia tổ thảo luận để các đại biểu, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Đại biểu tổ Thái Thuỵ thảo luận tại tổ.

Video: 130721_TIN_THAO_LUAN_TO_KY_HOP_THU_2_HDND_TINH___NGUYEN_HINH_-

Dự thảo luận tổ có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND tỉnh,  UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, thường trực HĐND các huyện, thành phố.

Đại biểu tổ Thành phố thảo luận tại tổ.

Tại các tổ, nhiều vấn đề trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được cử tri kiến nghị liên quan tới đời sống của người dân được các đại biểu tiếp tục đưa ra thảo luận. Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu đề nghị tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, lơ là; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch; sẵn sàng mọi kịch bản ứng phó với dịch không để bị động bất ngờ; tăng mức hỗ trợ cho tổ tự quản phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng. 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các đại biểu đề nghị tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất; có phương án ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Tăng cường hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tạo điều kiện về nguồn lực để các xã hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí. 

Trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, các đại biểu đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác giao đất, cho thuê đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tăng cường công tác  quản lý, sử dụng đất đai. Tập trung xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường nhất là tại các làng nghề, khu vực chăn nuôi tập trung... 

Trong lĩnh vực công thương, giao thông, xây dựng cơ bản, các đại biểu đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ngành lựa chọn doanh nghiệp có năng lực vào Khu kinh tế Thái Bình; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các phân khu tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế; có hướng dẫn cụ thể trong triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm và hỗ trợ đào tạo nghề; sớm triển khai thi công các dự án giao thông đã được phê duyệt. 

Về dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá công trình thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, công trình đê, kè, cống, từ đó sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư cho phù hợp.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội, các đại biểu đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm rà soát quy mô, mạng lưới trường lớp để bố trí, sắp xếp lại hợp lý; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp điều kiện dạy và học, đặc biệt trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng lạm thu, dạy thêm không đúng quy định. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tăng cường cơ sở vật chất cho một số bệnh viện, nhất là hệ thống xử lý chất thải y tế.

Đại biểu tổ Đông Hưng thảo luận tại tổ.

Các lĩnh vực: quốc phòng, an ninh trật tự, xây dựng chính quyền, tiếp công dân và giải quyết đơn thư cũng được các đại biểu tập trung kiến nghị; trong đó đề nghị tỉnh tăng cường chỉ đạo phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm để đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán.

Các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố sẽ được tiếp thu, tổng hợp báo cáo tại phiên họp HĐND tỉnh sáng ngày 14/7.

Phóng viên Báo Thái Bình đã lược ghi các ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu khách mời tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 13/7

 

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua được tỉnh tập trung chỉ đạo và có nhiều giải pháp quyết liệt, phù hợp với từng giai đoạn diễn biến của dịch; luôn kiểm soát tốt dịch bệnh; triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục: Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở một số địa phương, đơn vị, doanh nghiệp chưa nghiêm túc, có thời điểm còn lơ là, chủ quan. Việc quản lý đối tượng nguy cơ ở một số địa phương chưa thường xuyên, liên tục, còn sơ hở. Nhiều tổ tự quản ở cơ sở hoạt động chưa hiệu quả, còn bỏ sót trường hợp nguy cơ cao về địa phương vào cộng đồng, doanh nghiệp. Việc tổ chức cách ly y tế tập trung còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất chưa bảo đảm quy chuẩn theo quy định tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo. Các chốt kiểm soát dịch hoạt động chưa thực sự hiệu quả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ… Tôi đề nghị trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân. Tập trung kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh. Phát huy vai trò của tổ tự quản trong công tác phòng, chống dịch.

Đại biểu Phạm Thị Ánh Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình

Tôi nhất trí với các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách và kế hoạch đầu tư công 6 tháng cuối năm 2021 của UBND tỉnh; đồng thời đề nghị công tác quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hạn chế tối đa các khoản chi phát sinh ngoài dự toán, bố trí chi dự phòng ngân sách đúng quy định. Chấp hành nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định của Nhà nước về mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công. Quan tâm đến việc quản lý và sử dụng tài sản công, nhất là trong việc cho thuê hoặc dùng tài sản công để liên doanh liên kết. Liên quan đến việc quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh, tôi đề nghị sau khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, UBND tỉnh sẽ quan tâm chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn và các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ chi bảo đảm kịp thời, đúng định mức cho từng đối tượng; thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc cấp phát và sử dụng nguồn kinh phí.

Đồng chí Trần Trung Dũng, Chánh Thanh tra tỉnh

6 tháng đầu năm 2021 tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, khó lường. Vì vậy, tôi đề nghị tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp tăng cường quản lý về các vấn đề xã hội; đấu tranh có hiệu quả với các loại tôi phạm; kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu, hành vi chống phá của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị. Thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các ngành, địa phương, đơn vị để đánh giá đúng tình hình, xử lý dứt điểm khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.

Đồng chí Nguyễn Quang Anh, Giám đốc Sở Xây dựng

Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng cuối năm 2021, ngành Xây dựng sẽ tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực được phân công. Trong đó, tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị và khu dân cư. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển nhà ở và khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần hoàn thành mục tiêu đô thị hóa và nâng m2 sàn/người. Sở Xây dựng cũng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các khu vực quy hoạch đất ở tại các địa phương, hướng dẫn thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đại biểu Đào Đức Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng

Tôi đánh giá cao các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động đầu tư xây dựng khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay. Hiện nay, nhiều tỉnh đã xây dựng các khu công viên nghĩa trang lớn, mang lại nguồn thu rất lớn như: Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ… Các nghĩa trang này đều quy hoạch xa khu trung tâm, xa khu dân cư, với diện tích lớn, tôi cho rằng nếu tỉnh cũng xem xét quy hoạch những khu vực xây dựng nghĩa trang lớn, kèm theo việc phê duyệt ban hành chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn muốn vào đầu tư. Tuy nhiên vấn đề cần tháo gỡ khi triển khai xây dựng nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đó là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, vì tâm lý người dân không muốn đặt nghĩa trang trên địa bàn của địa phương mình đang sinh sống. Việc này cũng gây tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào lĩnh vực này, đòi hòi công tác quy hoạch địa điểm phải phù hợp, đồng thời cấp ủy, chính quyền địa phương phải cùng vào cuộc tích cực, phối hợp tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp. 

Đồng chí Nguyễn Văn Nho, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Trước thực trạng các lò đốt rác ở các địa phương hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, tỉnh đã có chủ trương thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung với công nghệ  hiện đại quy mô cấp huyện để xử lý triệt để rác thải, không gây ô nhiễm mỗi trường. Tuy nhiên khó khăn đặt ra là việc tìm vị trí quy hoạch xây dựng các nhà máy, tuyên truyền vận động tạo sự đồng thuận cho người dân và hiện cũng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu với tỉnh xem xét, bố trí xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ hiện đại, quy mô liên huyện; đồng thời ban hành cơ chế, chính sách tạo thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào tỉnh để đầu tư nhà máy xử lý rác thải; chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cho người dân trong công tác giải phóng mặt bằng; có cơ chế, chính sách hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất.


Nguyễn Hình - Đào Quyên

Ảnh: Thành Tâm