Thứ 3, 21/01/2025, 14:23[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch

Thứ 5, 19/08/2021 | 15:22:24
4,733 lượt xem
Sáng ngày 19/8, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch. Các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương dự hội nghị. Dự hội nghị điểm cầu tỉnh Thái Bình có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành.

Các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Audio: 2308_hoi_nghi_truc_tuyen_cong_tac_quy_hoach_mixdown.mp3

Sau gần 4 năm triển khai, Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn về triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 đã được các cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ để các bộ, ngành và địa phương triển khai công tác quy hoạch. Việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã đạt kết quả bước đầu. 

Dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 01/06 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022. Sau khi được phê duyệt, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước Luật Quy hoạch được ban hành.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình. 

Tại Thái Bình, căn cứ tiến độ thực hiện lập Quy hoạch tỉnh của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo đơn vị tư vấn xây dựng báo cáo theo đúng hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cách thức, mức độ chi tiết tích hợp Quy hoạch tỉnh, trong đó tập trung phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở cho việc lập Quy hoạch tỉnh.     

 Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến. 

Tại hội nghị, các đại biểu phản ánh những khó khăn trong triển khai thực hiện Luật Quy hoạch như: Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa đạt yêu cầu đề ra, việc triển khai lập quy hoạch còn chậm; việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các bộ, ngành và địa phương chậm và còn nhiều hạn chế…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch. Theo đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Tập trung nghiên cứu xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Các bộ, ngành khẩn trương xây dựng và ban hành trong tháng 9/2021 các văn bản về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và sắp xếp, phân bổ không gian theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Video: 1908-hoi_nghi_truc_tuyen_toan_quoc_cong_tac_quy_hoach.mp4

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2021 và những năm tiếp theo, do đó cần tăng cường sự phối hợp trong tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương. Quan điểm chung là quyết tâm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và triển khai thực hiện các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác; bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật; đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo, phối hợp vướng mắc ở cấp, ngành nào thì cấp, ngành đó chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện. Các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, giảm bớt thủ tục hành chính; phê duyệt kế hoạch lựa chọn đơn vị tư vấn; tăng cường kiểm tra giám sát và quản lý nhà nước trong triển khai thực hiện Luật Quy hoạch…


Kiểm soát được dịch bệnh phía Nam mới có thể kiểm soát dịch bệnh trên cả nước

Nhân hội nghị trực tuyến toàn quốc với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng dành ít phút để phát biểu về công tác phòng, chống dịch.

Hiện các địa phương đang triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 86 của Chính phủ, Nghị quyết 30 của Quốc hội, đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn.

Thủ tướng lưu ý, phải thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly giữa người với người, gia đình với gia đình, xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh, “ai ở đâu ở đó” thì mới có thể cách ly được nguồn lây, kiểm soát lây nhiễm.

Để làm tốt việc giãn cách, cần lo cho dân, bảo đảm không ai bị thiếu ăn thiếu mặc, bảo đảm nhu cầu y tế của mọi người ở mọi nơi, mọi lúc và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Đồng thời, vận động, kêu gọi và hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch.

Việc giãn cách xã hội còn kéo dài trong khi nguồn lực con người, vật chất đều có hạn, nhất là các y, bác sĩ, điều dưỡng viên đã làm việc hết sức mình trong thời gian dài, phải quá tải. Thủ tướng kêu gọi các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh ở địa phương mình, tiếp tục chi viện, ủng hộ, giúp đỡ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam cả về con người và cơ sở vật chất theo tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì thành phố Hồ Chí Minh”.

 

Tin: Nguyễn Thơi

Ảnh: Thành Tâm