Chủ nhật, 29/12/2024, 08:12[GMT+7]

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Thứ 4, 20/10/2021 | 17:37:54
3,193 lượt xem
Sáng ngày 20/10, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể kỳ họp thứ hai bằng hình thức trực tuyến. Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh dự khai mạc kỳ họp tại điểm cầu Thái Bình.

Video: 201021__khai_mac_trong_the_ky_hop_thu_hai_quoc_hoi_khoa_15___thu_hien_-

Dự họp tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Thái Bình; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Trước giờ khai mạc kỳ họp, Quốc hội dành phút mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh do dịch Covid-19.

Các  đại biểu Quốc hội tỉnh dự khai mạc kỳ họp thứ hai tại điểm Thái Bình.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn bởi đại dịch Covid-19. Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ sâu sắc với những tổn thất, mất mát nặng nề về người và của, những khó khăn mà nhân dân ta đã phải gánh chịu; tri ân, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành Y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh sức khỏe và tính mạng của bản thân, cống hiến hết mình, xung kích vào những địa bàn là tâm dịch rất nguy hiểm vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe, cuộc sống bình yên của nhân dân và sự phát triển bền vững, trường tồn của đất nước.

Nhấn mạnh chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua tại phiên trù bị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình, đồng thời xuất phát từ lợi ích cao nhất của đất nước, quốc gia và dân tộc, tham gia đầy đủ các phiên họp toàn thể của Quốc hội, các cuộc họp của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, của các tổ và đoàn đại biểu Quốc hội, để nghiên cứu kỹ lưỡng, phản ánh khách quan, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề trọng tâm, thời sự mà cử tri cả nước quan tâm và biểu quyết, quyết định các vấn đề rất quan trọng thuộc nội dung chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, góp phần làm nên thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước.

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (trong đó có công tác phòng, chống dịch Covid-19). Quốc hội cũng nghe: Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ. Ảnh: Thu Hiền 

Phiên họp buổi chiều, Quốc hội tiếp tục nghe báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024; báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024; tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Sau khi nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra trình tại kỳ họp, Quốc hội chia các tổ thảo luận vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Phát biểu thảo luận tại tổ, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Việc nghiên cứu và đóng góp ý kiến vào các dự án luật là cần thiết nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực thi luật đang hiện hành, phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay. Đồng chí đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tỉnh nghiên cứu kỹ để đóng góp ý kiến chất lượng vào 2 dự án luật quan trọng này.

Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, các đại biểu đánh giá cao một số nội dung sửa đổi đã phù hợp với yêu cầu thực tế, đồng thời đóng góp ý kiến liên quan đến các nội dung về thẩm quyền giải quyết tin báo tố giác tội phạm, việc phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng công an xã hiện nay, quy định về điều tra đối với quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý. Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, các đại biểu tập trung thảo luận về quy định điều chỉnh bổ sung danh mục thống kê theo hướng cụ thể hóa và chỉ tiêu thống kê liên quan đến phát triển kinh tế số.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đề nghị Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tổng hợp  báo cáo Tổng thư ký Quốc hội trình kỳ họp.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV được tổ chức thành hai đợt: đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến từ ngày 20/10 đến hết ngày 30/10; đợt 2, Quốc hội dự kiến họp tập trung tại Nhà Quốc hội (Hà Nội) từ ngày 8 - 13/11. Ngoài ra, dự phòng phương án nếu dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc họp trực tuyến cả kỳ.

Ông Phạm Đình Tuyền, xã Quỳnh Xá (huyện Quỳnh Phụ)

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi đánh giá cao việc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV chia thành 2 đợt theo hình thức trực tuyến và tập trung. Việc Quốc hội họp trực tuyến là phát huy hiệu quả của Quốc hội điện tử, góp phần bảo đảm tiến độ chương trình đề ra, linh hoạt, an toàn trong phòng, chống dịch; đồng thời, thể hiện Quốc hội luôn thay đổi, linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ các hoạt động, vì lợi ích nhân dân. Tôi kỳ vọng công nghệ sẽ giúp Quốc hội tiếp tục đổi mới khâu tổ chức các kỳ họp, hỗ trợ Chính phủ, tư lệnh các ngành kết nối với cử tri trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Quốc hội hoàn thành vai trò, thể hiện trách nhiệm giám sát tối cao của mình, đáp ứng nguyện vọng và mong mỏi của cử tri và nhân dân.

Ông Bùi Hồng Hà, xã Đông Hoàng (Tiền Hải)

Theo dõi phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đánh giá cao nội dung, chương trình kỳ họp đã được thông qua tại phiên trù bị. Những vấn đề đưa ra xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp đều là những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. Trong đó có việc xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024; việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo nghị quyết của Trung ương và nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Tôi mong muốn tại kỳ họp Quốc hội sẽ thảo luận kỹ và đánh giá xác thực tình hình đất nước và của từng địa phương để có những quyết sách quan trọng, khi triển khai thực hiện sẽ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, khống chế thành công dịch Covid-19. Trong chất vấn, đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm cao truyền tải các vấn đề cử tri kiến nghị, vấn đề nhân dân quan tâm; người trả lời đi thẳng vào vấn đề chất vấn, dám đối mặt với những tồn tại, hạn chế, đề xuất các giải pháp khắc phục.

Ông Trần Đức Long, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình)

Tôi đánh giá rất cao sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đồng hành, chủ động, linh hoạt của Quốc hội; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ đã cùng với nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân và sự hỗ trợ của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. 9 tháng đầu năm 2021, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tuy không đạt so với kế hoạch đề ra nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định; nông nghiệp tăng trưởng khá; xuất khẩu hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; an sinh, phúc lợi xã hội được chú trọng; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết rất quan trọng, cho phép Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện nhiều nội dung khác với quy định của luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch và nhiều chính sách quan trọng, thiết thực để huy động nguồn lực, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.


Thu Hiền - Phương Chi