Thứ 7, 28/12/2024, 02:17[GMT+7]

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Thảo luận dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

Thứ 6, 29/10/2021 | 19:04:27
6,012 lượt xem
Ngày 29/10, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình phát biểu góp ý về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Audio: 2910_ky_hop_quoc_hoi_chieu_29.mp3

 Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận trực tuyến. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội tỉnh dự họp tại điểm cầu Thái Bình.

Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Góp ý về dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại những điều khoản trùng lặp hoặc chưa thống nhất giữa dự án Luật với một số luật khác; bỏ quy định tại Khoản 2, Điều 22 về “Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của hợp đồng bảo hiểm vô hiệu nhưng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của hợp đồng” và áp dụng chung theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015; quan tâm tới các điều khoản quy định về bảo hiểm bắt buộc. Đại biểu cho rằng trên thực tế có tình trạng lợi dụng các hình thức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm để hình thành các hình thức huy động vốn, nhất là huy động vốn đa cấp thông qua nhiều kênh khác nhau. Trong quy định của Luật cũng ghi rõ tiêu chuẩn của đại lý bảo hiểm, phải có hợp đồng quy định rõ trách nhiệm của bên bán và bên mua nhưng hiện chúng ta có loại hợp đồng chung, hợp đồng giao kết điện tử trên môi trường mạng. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng kinh doanh đa cấp có thể lợi dụng, vì vậy cần cân nhắc bổ sung các điều khoản quy định chặt chẽ hơn hoặc phải đề cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các vấn đề nảy sinh nêu trên. Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung quy định đối với bảo hiểm vi mô theo hướng triển khai bảo hiểm vi mô vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi để khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai nhằm dự phòng rủi ro và có tích lũy hướng đến người nghèo, người có thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Trong phiên họp buổi chiều, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày các tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung này.

Đại biểu Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại thảo luận tổ buổi chiều.Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh phát biểu tại thảo luận tổ buổi chiều. 

Góp ý về các nội dung này, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng việc xây dựng kế hoạch là cần thiết nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước, đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 đi vào thực chất, hiệu quả. Các đại biểu cơ bản thống nhất với quan điểm, mục tiêu tổng quát nêu trong dự kiến kế hoạch, đồng thời kiến nghị nghiên cứu, bổ sung mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng tăng trưởng một số ngành kinh tế chủ lực, ưu tiên; phát triển đô thị, kinh tế đô thị; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thích ứng với biến động của kinh tế thế giới, chủ động hội nhập quốc tế.

Các đại biểu cũng nhất trí với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu trong dự kiến kế hoạch, đồng thời đề nghị tách một số nội dung thành nhiệm vụ riêng để thấy rõ nét trọng tâm, trọng điểm và điểm mới của dự kiến kế hoạch; điều chỉnh, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững. Quan tâm đến duy trì đất trồng lúa hợp lý nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; có cơ chế, chính sách hỗ trợ để các địa phương giữ đất trồng lúa và hỗ trợ người trồng lúa để họ có thu nhập tương xứng với công sức bỏ ra. Quy hoạch sử dụng đất phát triển theo hướng khai hoang, lấn biển song cần lưu ý đến đánh giá tác động đến bờ biển, môi trường, hệ sinh thái biển.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ ưu tiên tập trung cơ cấu lại nền kinh tế trong từng giai đoạn gắn với bảo đảm nguồn lực, kịp thời thực hiện công tác dự báo, đánh giá đúng, đủ, kịp thời, chủ động thích ứng với những biến đổi khó lường của tình hình thế giới, nhất là đại dịch Covid-19; bổ sung một số chỉ tiêu cụ thể về đơn vị sự nghiệp công lập, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển thị trường lao động, có giải pháp đột phá trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; chú trọng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là chế biến nông sản, xây dựng chuỗi sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Thu Hiền