Chủ nhật, 24/11/2024, 19:32[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về một số dự án luật, nghị quyết trình kỳ họp

Thứ 6, 03/06/2022 | 18:46:01
12,421 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 3/6, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chủ trì thảo luận tại Tổ đại biểu số 19.

Các đại biểu đã phát biểu thể hiện sự cần thiết phải ban hành nghị quyết thí điểm. Việc đề xuất áp dụng thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là phù hợp với chủ trương, định hướng cải cách tư pháp; không trái với quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, các nội dung quy định về việc thí điểm trong dự thảo nghị quyết cơ bản đã bảo đảm thực hiện thống nhất, đầy đủ chế độ quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo và các chế độ, chính sách khác đối với phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các luật có liên quan.

Nghị quyết được ban hành sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội. Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp. Ngoài ra, mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự.

Đối với các vấn đề cụ thể, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung đó là: Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của nghị quyết; về nguyên tắc thực hiện thí điểm như bảo đảm an toàn, tự nguyện, bình đẳng được trả một phần công lao động, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể trong thực hiện thí điểm; số lượng trại giam được áp dụng thí điểm nguyên tắc lựa chọn ngành nghề để tổ chức lao động hướng nghiệp theo Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 824; về quy định 11 trường hợp không được đưa ra khu lao động hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam. Tại Khoản 4, Điều 1, dự thảo đã bám sát nguyên tắc thực hiện thí điểm chưa căn cứ để giao cho Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 5, dự thảo nghị định đã đầy đủ, cụ thể và rõ chưa?; việc áp dụng các chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập của doanh nghiệp hợp tác với trại giam; về thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chủ trì buổi thảo luận tại Tổ đại biểu số 19 gồm các tỉnh: Thái Bình, Lạng Sơn và Bình Dương.

Đối với Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận về các nội dung như: Sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng; vấn đề cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong trường hợp đặc biệt.

Đối với Dự án Luật Dầu khí sửa đổi, các đại biểu nhất trí đánh giá các nội dung sửa đổi của dự thảo Luật là phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án Luật cơ bản bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, hoàn thiện đồng bộ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật và dự kiến danh mục các văn bản hướng dẫn khác cần ban hành.

Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về các nội dung cụ thể như: Về tên gọi của dự án Luật; về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan; về điều tra cơ bản về dầu khí; về lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí; về hợp đồng dầu khí; về ưu đãi trong hoạt động dầu khí; về quản lý nhà nước về dầu khí;…

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)