Chủ nhật, 24/11/2024, 13:45[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Thứ 3, 25/10/2022 | 18:28:57
6,372 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 25/10, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chủ trì phiên thảo luận.

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đồng thời tổ chức thêm nhiều hoạt động nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến tham gia của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn để tiếp thu, hoàn chỉnh và trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục thảo luận. Sau đó đã tiếp thu, hoàn chỉnh gửi các đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để hoàn chỉnh trình Quốc hội tại kỳ họp này. 

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này có 8 chương, 118 điều, tăng thêm so với dự luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 là 2 điều nhưng đã tiếp thu, chỉnh lý 111/118 điều so với dự thảo trình kỳ họp thứ 3. Với tinh thần dân chủ, khẩn trương, nghiêm túc, phiên thảo luận đã có 23 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, 01 ý kiến tranh luận. Qua các ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội cho thấy về cơ bản các vị đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung cơ bản trong báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội kỳ họp này. Các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu phân tích, góp ý làm rõ thêm nhiều nội dung cụ thể, sâu sắc, bày tỏ rõ quan điểm, thẳng thắn vào nhiều nội dung nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, sự phù hợp của tổ chức, hoạt động của hệ thống thanh tra với yêu cầu thực tiễn đổi mới và đáp ứng tính khả thi của các quy định trong dự thảo luật, đồng bộ giữa các hoạt động thanh tra. Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về một số vấn đề, các điều luật cụ thể của dự thảo, như: Về hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra; Về hoạt động thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra; Về xử lý chồng chéo, trùng lặp và phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước.

Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 69 điều (trong đó, có 38 điều sửa đổi, bổ sung nội dung, 22 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bãi bỏ 06 điều, bổ sung 11 điều và giữ nguyên 04 điều). Các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia phát biểu thảo luận về các nội dung như: Nhất trí về tên gọi dự thảo Luật là “Luật Dầu khí”, bởi vì cho rằng tên gọi này đã được sử dụng thống nhất trong thực tiễn hoạt động dầu khí từ khi Luật điều chỉnh về hoạt động dầu khí thượng nguồn được ban hành năm 1993 cho tới nay và được ghi nhận tại các hợp đồng dầu khí ký kết, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, liên tục của pháp luật về dầu khí; Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật: các ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, bổ sung “dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ” vào phạm vi điều chỉnh; nhất trí nội dung điều tra cơ bản về dầu khí theo hướng bổ sung quy định về cơ chế thực hiện, hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí; nhiệm vụ chủ trì của Bộ Công Thương và giao Chính phủ quy định chi tiết điều này; về sự cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí, kế thừa quy định của Luật Dầu khí hiện hành; bởi vì, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thoả thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí), ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn, có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... 

Vũ Sơn Tùng 

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)