Thứ 5, 07/11/2024, 10:14[GMT+7]

Nhất trí cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam

Thứ 6, 02/06/2023 | 17:51:17
5,412 lượt xem
Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam sẽ mở ra hướng giải quyết đối với một bộ phận người gốc Việt Nam có nguyện vọng cần có một loại giấy tờ tùy thân khi chưa xác định được quốc tịch, giúp họ ổn định cuộc sống, có việc làm, con em được đến trường, bảo đảm quyền lợi trong giao dịch dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra trong phiên họp chiều 2/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Quy định cụ thể điều kiện cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) chiều 2/6, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban nhất trí việc chỉnh lý tên gọi của dự thảo Luật thành Luật Căn cước như Chính phủ trình, nhằm bảo đảm tính bao quát, đầy đủ, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án Luật, phù hợp với yêu cầu quản lý và việc khai thác, sử dụng trong các giao dịch dân sự, hành chính, tư pháp của người dân.

Liên quan giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đồng tình với đề xuất bổ sung đối tượng áp dụng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Theo đó, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người này sẽ mở ra hướng giải quyết đối với một bộ phận người gốc Việt Nam có nguyện vọng cần có một loại giấy tờ tùy thân khi chưa xác định được quốc tịch, giúp họ ổn định cuộc sống, có việc làm, con em được đến trường, bảo đảm quyền lợi trong giao dịch dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Đồng thời, đây cũng là vấn đề mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần bảo đảm quyền lợi của người gốc Việt Nam (trong đó bao gồm cả những trẻ em là con của người gốc Việt Nam), những người yếu thế trong xã hội, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trong dự thảo Luật về tiêu chí, điều kiện cấp giấy chứng nhận căn cước; việc quản lý người gốc Việt Nam; quy định rõ cơ quan có thẩm quyền quản lý đối tượng này; cơ quan, tổ chức được quyền thu thập, cập nhật, lưu trữ, khai thác, sử dụng thông tin về người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; quy định về việc sử dụng và giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước; độ tuổi cấp đổi giấy chứng nhận căn cước để bảo đảm việc sử dụng thuận tiện và đúng mục đích.

Cân nhắc quy định thể hiện thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú trên thẻ căn cước

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước (Điều 19), Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí nội dung Điều này nhằm bảo đảm đầy đủ các thông tin cần thiết đối với một công dân; đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát từng nội dung cụ thể để xác định những thông tin thể hiện trên thẻ căn cước thực sự cần thiết, phù hợp với yêu cầu quản lý và mục đích sử dụng, bảo đảm tính ổn định, lâu dài.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định thể hiện thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú trên thẻ căn cước, vì trên thực tế, có nhiều người không làm thủ tục đăng ký khai sinh (nhất là người dân ở phía Nam sinh từ năm 1975 trở về trước), nên quy định như dự thảo Luật sẽ gặp khó khăn khi cấp thẻ căn cước cho những người này.

Mặt khác, theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì thông tin trên hộ chiếu là “nơi sinh”; Luật Hộ tịch cũng quy định thông tin “nơi sinh”. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định bảo đảm thống nhất.

Quang cảnh phiên họp chiều 2/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, nơi cư trú có thể là nơi thường trú, nơi tạm trú hoặc nơi ở hiện tại (trong trường hợp không có nơi thường trú, nơi tạm trú). Mặc dù quy định này có thể tạo thuận lợi cho một số công dân không có nơi thường trú hoặc chưa có nơi tạm trú, nhưng trên thực tế lại gây khó khăn cho đa số công dân khác khi thực hiện các giao dịch cần xác định nơi thường trú. Mặt khác, thông tin nơi tạm trú hoặc nơi ở hiện tại của công dân thường không ổn định, nên thông tin ghi trên thẻ thường sẽ không chính xác ở thời điểm giao dịch.

Thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi hợp lý, khả thi

Về người được cấp thẻ căn cước (Điều 20), Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí việc bổ sung quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu.

Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, đây là quy định mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân, đặc biệt là nhóm trẻ em dưới 14 tuổi; phát huy việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; tiện ích cho nhiều dịch vụ, như: khám bệnh, giáo dục, du lịch…

Hơn nữa, dự thảo Luật quy định việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là theo nhu cầu và tại khoản 1 Điều 24 quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là hợp lý, có tính khả thi, đồng thời phù hợp với xu thế chung mà một số quốc gia đang thực hiện.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định bổ sung đối tượng cấp thẻ căn cước là người dưới 14 tuổi vì cho rằng, nhu cầu sử dụng thẻ căn cước của nhóm đối tượng này rất ít, các giao dịch chủ yếu vẫn thực hiện thông qua cha, mẹ hoặc người đại diện.

Theo: nhandan.vn