Thứ 7, 23/11/2024, 05:51[GMT+7]

Kỳ họp thứ 6: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật

Thứ 6, 24/11/2023 | 16:48:11
11,028 lượt xem
Sáng 24/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Sau khi nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo luật này.

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham dự phiên họp.

Kết quả biểu quyết, có 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74 %), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật có 10 chương, 73 điều quy định về hoạt động viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2024.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ. Có 24 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, đa số đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ với các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn như Tờ trình. Các đại biểu cho rằng đây là luật tác động và có liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, vừa đại chúng nhưng vừa chuyên ngành. Đặc điểm giao thông đường bộ Việt Nam là giao thông hỗn hợp, toàn dân là chủ thể tham gia, tâm lý, tập quán nhận thức cũng còn khác nhau; do đó nội dung dự thảo cần giải quyết mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng đường bộ và các cấu trúc có tính thượng tầng trong bảo đảm an toàn giao thông đường bộ để không chồng chéo, mâu thuẫn;…

Buổi chiều, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự án luật này. Kết quả biểu quyết, có 470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 95,14 %), Quốc hội đã chính thức thông qua dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

 Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua có 6 chương và 34 điều quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng  01 năm 2025. Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự số 32-L/CTN hết hiệu lực kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.

Tiếp đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tham gia thảo luận, đa số các ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhưng cũng còn một số ý kiến băn khoăn về các nội dung thể hiện ở hai luật, nhất là những phạm vi, nội dung giao thoa, các yếu tố giữa tĩnh và động, giữa cơ sở hạ tầng đường bộ và các yếu tố kiến trúc thượng tầng, an toàn đường bộ. Các ý kiến nhấn mạnh tính chất quan trọng của việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, công tác này tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe con người. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bởi vậy đây là một trong những mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi các quy định pháp lý trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy, đường sắt, đường không, để bảo đảm hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn giao thông ở nước ta.

Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị làm rõ đặc điểm giao thông hỗn hợp đường bộ Việt Nam hiện nay, yêu cầu xây dựng văn hóa giao thông thông minh, lồng ghép trật tự an toàn giao thông với quy hoạch, đổi mới đăng kiểm, đăng ký đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe. Phân định rõ hơn về phạm vi, nội dung điều chỉnh, các quy định về điều kiện phương tiện giao thông, điều kiện người điều khiển phương tiện giao thông, quy định về nồng độ cồn, đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe, chỉ huy giao thông, trung tâm chỉ huy giao thông, hoạt động tuần tra, kiểm soát với trung tâm điều độ và lực lượng thanh tra đường bộ của Luật Đường bộ…

 

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)