Thứ 2, 23/12/2024, 19:07[GMT+7]

Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, một số dự án quan trọng quốc gia

Thứ 7, 25/05/2024 | 16:03:49
12,358 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 25/5, tại Nhà Quốc hội, sau khi nghe báo cáo tóm tắt và xem clip về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, Quốc hội tiến hành thảo luận về nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong báo cáo giám sát và tập trung vào một số vấn đề: Sự đáp ứng mục đích, yêu cầu đặt ra của cuộc giám sát; thực trạng việc thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng  quốc gia; kết quả đạt được, bất cập, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm trong việc thực hiện các nghị quyết; tính phù hợp, khả thi của các giải pháp trước mắt và lâu dài trong báo cáo giám sát và dự thảo nghị quyết được trình Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đánh giá việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, có nhiều đổi mới sáng tạo. Nghị quyết cho phép sử dụng một nguồn lực rất lớn với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả kinh tế - xã hội từ năm 2022 đến nay.

Tuy nhiên, theo đại biểu, qua thực tế triển khai thực hiện cũng như nghiên cứu báo cáo và phụ lục kèm theo cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43 còn có những bất cập, tồn tại hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là việc xây ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Đơn cử như: Chính sách tiền thuê nhà cho người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm, Quyết định số 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/3/2022 quy định được triển khai thực hiện chính sách đến hết ngày 15/8/2022, chỉ có 4,5 tháng để triển khai thực hiện rất gấp gáp và nhiều khó khăn. Trong khi đó có địa phương, đối tượng thụ hưởng chính sách này lên tới hàng trăm nghìn người, cần có thời gian tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, giải quyết. Dó đó, còn nhiều người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng nhưng hết thời gian thực hiện chính sách nên không được hưởng. Bên cạnh đó, có địa phương ban hành thêm điều kiện được hưởng, thêm danh mục hồ sơ đề nghị hưởng chính sách, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người lao động và tạo tâm lý cho họ không muốn làm thủ tục đề nghị hưởng chính sách. Cùng với đó là tình trạng văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách có quy định chưa rõ ràng, chưa thống nhất dẫn đến chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra.

Để phát huy hơn nữa mục đích, ý nghĩa của chương trình, tránh việc đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ bảo đảm hiệu quả của nguồn lực đầu tư theo Nghị quyết số 43, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc rà soát và xem xét điều chỉnh nguồn vốn tạo điều kiện cho các dự án tiếp tục được đầu tư đồng bộ cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị để sớm đưa vào hoạt động. Chỉ khi được quan tâm đầu tư đồng bộ các dự án của chương trình mới được phát huy một cách hiệu quả trên thực tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia thảo luận thể hiện sự nhất trí với đánh giá của Đoàn giám sát chuyên đề về Nghị quyết số 43. Về phần thành tích của Chính phủ, đại biểu đề nghị bổ sung thêm về kết quả hoạt động đối ngoại vào nội dung Báo cáo, vì đây là điểm sáng trong giai đoạn dịch Covid mà thế giới cũng đánh giá cao nước ta. Cùng với đó, trong giai đoạn này, doanh nghiệp đã tài trợ và tất cả các loại hình doanh nghiệp cùng đóng góp vào (kể cả hộ kinh doanh cá thể), điều này cần được bổ sung vào báo cáo và được đánh giá đúng mức, qua đó động viên sự đóng góp của doanh nghiệp. Ngoài ra, đại biểu đề nghị ghi nhận những cố gắng, kết quả hoạt động của  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện giảm lãi suất, giãn nợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu tình trạng sợ trách nhiệm và tại sao lại sợ trách nhiệm; đùn đẩy trách nhiệm; đề nghị cần ban hành các văn bản, chính sách kịp thời, khắc phục ngay tình trạng chậm ban hành văn bản, có đánh giá rõ ràng (như khiển trách, khen thưởng…) cho vấn đề này.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)