Thứ 2, 23/12/2024, 14:36[GMT+7]

Kỳ họp thứ 7: Quốc hội thảo luận về các dự án luật, nghị quyết trình Kỳ họp

Thứ 3, 25/06/2024 | 15:57:31
11,624 lượt xem
Sáng 25/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội làm việc ở hội trường.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình dự phiên họp.

Buổi sáng, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) đã được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và đã có 106 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận. Ngay sau phiên thảo luận tổ, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận tại tổ và có báo cáo tổng hợp gửi đến đại biểu Quốc hội. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức nghiên cứu giải trình thảo luận tại tổ và có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Tại phiên thảo luận ở hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật và 8 nhóm nội dung cụ thể đã nêu trong báo cáo thẩm tra cùng các vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Qua thảo luận có 28 ý kiến phát biểu, trong đó có 4 ý kiến tranh luận; đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Công chứng để thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động công chứng; hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng, khắc phục các hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có liên quan đến hoạt động công chứng và tạo điều kiện để phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Ngoài ra, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thẳng thắn, tâm huyết, thiết thực và đề xuất nhiều phương án sửa đổi đối với các nội dung cụ thể như: Về các hành vi bị nghiêm cấm; về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, bổ nhiệm công chứng viên; về tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản; thủ tục công chứng giao dịch; về cơ sở dữ liệu công chứng; hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên;…

Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe trình bày báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024; tờ trình và báo cáo thẩm tra về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.

Tiếp đó, các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024; phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.

Tham gia thảo luận tại tổ 10 gồm các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Tiền Giang và Bạc Liêu. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham dự phiên họp.

Tham gia thảo luận, các vị đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và nhất trí với nội dung Chính phủ đề xuất đưa thành 1 khoản tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, các vị đại biểu Quốc hội nhất trí đánh giá cho rằng, thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực để thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và các nghị quyết của Đảng có liên quan. 

Tuy nhiên, trên cơ sở những khó khăn, bất cập được nhận diện khi thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, các đại biểu thống nhất với quan điểm cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách nhà nước và các nội dung khác đã nêu tại báo cáo của Chính phủ. 

Đồng thời, các ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu tổng thể, toàn diện, đề xuất cấp có thẩm quyền cho chủ trương hoàn thiện các bảng lương, các chế độ phụ cấp, chế độ nâng lương, chế độ tiền thưởng, nguồn lực thực hiện, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập để bảo đảm cải cách chính sách tiền lương thực sự là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ cần tăng cường công tác truyền thông để người có công, người hưởng lương hưu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hiểu đúng về chính sách và tạo sự đồng thuận xã hội khi tổ chức thực hiện.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)