Chủ nhật, 30/06/2024, 12:09[GMT+7]

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật

Thứ 5, 27/06/2024 | 16:17:45
4,654 lượt xem
Sáng 27/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường xem xét các nội dung: Biểu quyết thông qua Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân; về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham dự phiên họp ngày.

Với 447 đại biểu biểu quyết tán thành, chiếm 91,98%, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đường bộ. Dự thảo Luật đường bộ có 6 chương, 86 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, quy định về hoạt động đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ. Bao gồm: hoạt động về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 9 chương, 89 điều, quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội biểu quyết thông qua với 388 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 79,84%. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng không nhân dân.

Tham gia thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân. Dự thảo Luật đã cơ bản bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các văn kiện về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng khu vực phòng thủ trong tình hình mới. Các vị đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề như: Hồ sơ dự án Luật; phạm vi điều chỉnh; về nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; chính sách của Nhà nước về phòng không nhân dân; nhiệm vụ phòng không nhân dân...

Cũng trong chương trình buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng và nguyên tắc, tiêu chí sử dụng nguồn tăng thu năm 2023 cho các dự án đầu tư công. Các ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu cơ bản đồng tình với việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công. Đồng thời, các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương tiến hành các công việc theo quy định, hoàn tất các thủ tục đầu tư, phân bổ vốn, giao vốn để giải ngân vốn, tránh dàn trải, lãng phí. Đề nghị khắc phục tình trạng phân bổ vốn, giải ngân vốn chậm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư theo đúng các quy định của pháp luật; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Buổi chiều, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường xem xét các nội dung: Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ.

Theo chương trình, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Kết quả biểu quyết, có 463 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 95,27%), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Dự thảo Luật được thông qua đã sửa đổi, bổ sung 44 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đấu giá tài sản hiện hành và bổ sung 2 điều mới và một số điều, khoản khác sửa đổi, bổ sung mang tính kỹ thuật. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Tiếp đó, với 464 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, chiếm 100%, Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Dự thảo Luật được biểu quyết thông qua gồm 7 chương, 86 điều, quy định về vị trí, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, nguồn lực, chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Điều hành nội dung phiên họp thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung: Tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật; các quy định tại dự thảo Luật đã phù hợp với pháp luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật? nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; nguồn tài chính và bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cũng như tính thống nhất và tính khả thi của các điều khoản Luật…

Tham gia thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội thể hiện nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ để tiếp tục thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nhằm luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm và bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với các tai nạn, sự cố xảy ra trong các vụ cháy và tai nạn, sự cố hàng ngày mà lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đang được giao đảm nhiệm. Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về một số nội dung cụ thể như: Vấn đề quy hoạch về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ; xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; về tổ chức thẩm tra, thẩm định thiết kế, nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; về lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nguồn tài chính và bảo đảm điều kiện cho hoạt động, về quy định xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày