Thứ 6, 19/04/2024, 14:33[GMT+7]

Giao thông nông thôn - nền tảng phát triển kinh tế - xã hội (Kỳ 1)

Thứ 2, 30/03/2020 | 08:37:55
1,571 lượt xem
Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, những năm qua, Thái Bình đã huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, coi đây là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Xác định được tầm quan trọng của giao thông nông thôn, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, tạo sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.

Làm đường giao thông nông thôn.

Kỳ 1: Dồn sức thực hiện tiêu chí giao thông

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã chủ động nguồn lực, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, người dân để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn. Kể từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay, Thái Bình đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới.


Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 diễn ra vào giữa tháng 10/2019 tại Nam Định, Thái Bình được Ban Chỉ đạo trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đánh giá là một trong những địa phương đã chủ động vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách của Trung ương đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương như chính sách hỗ trợ xi măng và vật liệu xây dựng để người dân tự làm đường giao thông, chính sách dồn điền, đổi thửa, chính sách thưởng xã về đích NTM sớm để khuyến khích các xã làm tốt...


Ông Bùi Trọng Duật, 84 tuổi, ở xã Điệp Nông (Hưng Hà) cho biết: Trước kia, hạ tầng giao thông nông thôn của xã Điệp Nông nói riêng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Nhiều tuyến đường đã bị hư hỏng, xuống cấp khiến cho việc đi lại, giao lưu phát triển kinh tế của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Khoảng 10 năm trở lại đây, xã Điệp Nông như được “thay da đổi thịt”, đời sống nhân dân trong xã đã được nâng lên rõ rệt. Các tuyến đường thôn xóm được bê tông hóa khang trang, rộng rãi. Những con đường ra đồng cũng được bê tông, kiên cố hóa, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thuận lợi hơn rất nhiều.


Xác định được tầm quan trọng của giao thông nông thôn, những năm qua, Thái Bình đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Trong đó, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn với mục tiêu bê tông hóa, nhựa hóa, hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường nối liền từ các huyện, thành phố đến các xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Từ đó, nhiều địa phương đã thực hiện tốt phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, làm cho diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc.


Ông Vũ Mạnh Thía, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho biết: Hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn là khát khao, nguyện vọng bao đời của người dân. Do đó, khi có chủ trương, chính sách làm cầu, đường là nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, sẵn sàng hiến đất, đóng góp ngày công để hoàn thành những con đường, cây cầu đúng tiến độ, đạt chất lượng cao nhất. Đến nay, huyện Kiến Xương đã có hệ thống giao thông nông thôn hoàn chỉnh, thông suốt, người dân không còn sống trong cảnh giao thông khó khăn. Sau 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện Kiến Xương có 36/36 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Tổng nguồn lực đã huy động để thực hiện Chương trình từ năm 2011 - 2019 là 2.013,25 tỷ đồng. Ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước các cấp, huyện đã huy động nhân dân đóng góp và nguồn vốn xã hội hóa 637,38 tỷ đồng...

Đường giao thông nông thôn xã Nguyên Xá (Đông Hưng).


Với nhiều cơ chế, chính sách thực hiện đồng bộ đã tạo nên bước đột phá, huy động được một lượng lớn nguồn lực từ xã hội và cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM. Đây chính là động lực để thu hút nguồn lực, khắc phục khó khăn, tư tưởng trông chờ cấp trên, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua xây dựng NTM ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, lũy kế tổng nguồn lực huy động bằng tiền, ngày công, xi măng tỉnh hỗ trợ, hiến đất, tài sản... từ năm 2011 đến năm 2020 ước khoảng 22.236 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 1.456,7 tỷ đồng; nguồn ngân sách huyện, thành phố 1.911 tỷ đồng; ngân sách xã 4.303,7 tỷ đồng; nguồn vốn lồng ghép từ những dự án khác 2.870 tỷ đồng; nguồn vốn huy động từ các dự án, doanh nghiệp, tổ chức 1.259,3 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng 1.177,6 tỷ đồng; con em xa quê đóng góp 389,99 tỷ đồng; nguồn vốn huy động nhân dân đóng góp 3.669,5 tỷ đồng...

(còn nữa)
Phạm Hưng