Thứ 7, 04/05/2024, 14:13[GMT+7]

Vì sao giá thịt lợn “không chịu” giảm

Thứ 3, 02/06/2020 | 09:13:53
2,004 lượt xem
Giá lợn hơi và thịt lợn thương phẩm lại một lần nữa cao “chót vót”, bất tuân nỗ lực bình ổn giá của các cơ quan quản lý nhà nước và ảnh hưởng đến chất lượng mỗi bữa ăn của người dân. Liệu giá thịt lợn trong thời gian tới có tiếp tục tăng là câu hỏi cùng sự lo ngại của người tiêu dùng và đâu là nguyên nhân của sự leo thang giá cả mặt hàng thịt lợn hiện nay?

Hoạt động kinh doanh thịt lợn gặp khó khăn.

Giá thịt lợn lập đỉnh

Từ đầu tháng 5, giá thịt lợn bắt đầu tăng trở lại sau một thời gian ngắn bị kiềm chế bởi những giải pháp của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Nếu vào thời điểm ngày 8/5, giá lợn hơi ở các tỉnh phía Bắc tại chợ dân sinh, trong đó có Thái Bình phổ biến ở mức 90.000 - 93.000 đồng/kg và giá thịt lợn thương phẩm từ 130.000 - 140.000 đồng/kg, thì đến ngày 1/6, giá lợn hơi và thịt lợn thương phẩm tăng vọt lên tương ứng 103.000 - 105.000 đồng/kg và 150.000 - 160.000 đồng/kg tùy theo từng loại thịt.

Giá thịt lợn tăng cao khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Bà Đinh Thị Lụa ở thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư) chia sẻ: Thịt lợn bây giờ đắt ngang thịt bò. Trước đây, mỗi lần đi chợ tôi thường mua từ 1 - 1,5kg thịt lợn về phục vụ bữa ăn trong gia đình, nhưng nay giá thịt lợn đắt đỏ, tôi chỉ dám mua 0,5 - 0,7kg. Do thịt lợn là nhu cầu thiết yếu trong bữa ăn của mỗi gia đình nên không riêng bà Lụa, nhiều người dân vẫn phải mua song đều cắt giảm khẩu phần vì giá cả quá cao. Thịt lợn bây giờ trở thành thực phẩm “xa xỉ”, thực sự khiến người dân lo lắng.

Việc người dân hạn chế mua thịt lợn cũng khiến các tiểu thương gặp khó khăn. Ông Bùi Văn Tám, một hộ kinh doanh thịt lợn tại chợ Thông, xã Hòa Bình (Vũ Thư) cho biết: Khi giá thịt lợn ở mức thấp, mỗi phiên chợ tôi bán được hơn 70kg. Hiện nay, giá thịt lợn cao, nhu cầu mua sắm của người dân giảm, mỗi phiên tôi chỉ bán được 12 - 20kg. Nếu tình trạng giá cả cứ leo thang như hiện nay, chắc tôi cũng nghỉ kinh doanh thịt lợn vì vất vả và thu nhập không bảo đảm cuộc sống. Còn các tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại các chợ Sóc, xã Vũ Quý (Kiến Xương), chợ thị trấn Đông Hưng (Đông Hưng), chợ Đề Thám, chợ Quang Trung (thành phố Thái Bình) cho biết, việc kinh doanh ế ẩm mà vẫn bị nhiều người tiêu dùng chê trách bán đắt. Bà con không hiểu hiện nay giá lợn hơi xuất bán tại chuồng cũng rất cao, chúng tôi phải chi phí công vận chuyển, thuê giết mổ, thuê mặt bằng kinh doanh nên giá bán tới tay người tiêu dùng cũng phải tăng theo để bảo đảm thu nhập.

Đâu là nguyên nhân

Theo các hộ làm nghề giết mổ và chế biến thịt lợn, hiện nay giá thịt lợn tăng cao là do nguồn cung thiếu. Lượng lợn thịt nuôi trong dân gần như cạn kiệt do ảnh hưởng từ đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi hồi đầu năm 2018 gây ra. Lợn thịt cung cấp ra thị trường chủ yếu từ các trang trại lớn, doanh nghiệp chăn nuôi ở các địa phương nhờ họ có điều kiện cơ sở vật chất, phòng dịch tốt. Ông Bùi Văn Tám cho biết thêm: Do không có lợn trong dân để mua và không mua trực tiếp được từ các trang trại, vì vậy chúng tôi phải đi mua ở Hà Nam về giết mổ. Dù giá cao như vậy, nhưng tại chợ đầu mối này, các thương lái, doanh nghiệp ở Hà Nội về thu gom mua với số lượng lớn nên nhiều lần chúng tôi cũng không mua được để giết mổ bán.

Có một thực tế các trang trại, gia trại, doanh nghiệp chăn nuôi lợn khó có thể bán trực tiếp ra thị trường bởi ràng buộc hợp đồng nuôi gia công cung cấp lợn thịt cho các tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thịt lợn như CP, CJ Vina, Masan, Japfa, Mitraco, Anova, MNS Meat Hà Nam... Chính vì thế, theo ước tính trên địa bàn tỉnh có 22 cơ sở chăn nuôi với lượng lợn thịt hiện có khoảng trên 3.000 tấn nhưng số lợn này bán ra thị trường nội tỉnh không nhiều.

Một trong những nguyên nhân giá thịt lợn tăng cao thời gian qua là chi phí nhiều khâu trung gian. Cũng theo các hộ giết mổ, kinh doanh thịt lợn trên địa bàn tỉnh cho biết, thông thường lợn xuất chuồng phải qua thương lái thu gom đưa đến chợ đầu mối bán, từ đây lợn tiếp tục tới cơ sở, hộ giết mổ, thịt lợn lại chuyển qua tiểu thương kinh doanh tại chợ rồi mới đến tay người tiêu dùng. Ở mỗi khâu trung gian, giá thịt lợn lại đội lên và cuối cùng người tiêu dùng phải gánh toàn bộ chi phí của các khâu trung gian đó.

Điều lo ngại nhất hiện nay liên quan đến việc kiểm soát giá thịt lợn chính là bệnh dịch tả lợn châu Phi lại phát sinh. Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bệnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến ngày 27/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố, đã có gần 4.000 con lợn bị tiêu hủy. Nguồn cung thịt lợn đã thiếu nay lại càng thiếu hơn. Đặc biệt, nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn con giống, nuôi tái đàn, tăng đàn lợn của nông dân. Nếu không kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ sẽ dẫn tới không bảo đảm nguồn cung thịt lợn và nguy cơ giá thịt lợn còn tiếp tục tăng là khó tránh khỏi trong thời gian tới.

Khắc Duẩn