Thứ 7, 23/11/2024, 10:02[GMT+7]

Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Thứ 2, 15/06/2020 | 10:12:00
2,671 lượt xem
5 tháng đầu năm, cả nước có hơn 29.300 ca mắc sốt xuất huyết. Tại Thái Bình cũng đã ghi nhận 19 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 ca nội sinh ở các huyện Đông Hưng, Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Thái Thụy và thành phố Thái Bình. Qua hệ thống giám sát của ngành Y tế, tổng số người mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh giảm hơn 10 ca so với cùng kỳ năm 2019.

Phun hóa chất diệt muỗi, côn trùng tại huyện Hưng Hà.

Nguyên nhân số người mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh giảm so với mọi năm là do từ việc phòng, chống dịch Covid-19, người dân đã có ý thức bảo vệ sức khỏe hơn, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang và vệ sinh cá nhân, nhà cửa. Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch Covid-19 cũng khiến cho số lượng người di biến động về Thái Bình thấp hơn mọi năm, phần nào làm giảm nguy cơ lây nhiễm sốt xuất huyết từ những ca ngoại sinh (người nơi khác về Thái Bình). Bởi những năm trước, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại Thái Bình chủ yếu là những ca ngoại sinh.

Bác sĩ Đặng Quang Huy, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Triệu chứng ở bệnh nhân sốt xuất huyết là những chấm sốt xuất huyết dưới da, khi biến chứng nặng thì xuất huyết theo từng mảng, xuất huyết nội tạng. Nếu như người mắc sốt xuất huyết được phát hiện sớm, chưa di căn thì việc tan huyết, giảm tiểu cầu không xảy ra. Trong trường hợp xét nghiệm giảm tiểu cầu hoặc xuất hiện những chấm mảng xuất huyết dưới da, thâm tím da là bệnh nhân đã biến chứng nặng.

Sốt xuất huyết do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Do đó, việc cắt đứt khâu trung gian truyền bệnh rất quan trọng. Để phòng, chống sốt xuất huyết, hàng năm ngành Y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên giám sát ở cộng đồng, thực hiện giám sát 2 lần/tuần ở những ổ dịch cũ hoặc ổ dịch mới phát sinh, tổ chức diệt muỗi, bọ gậy và nuôi cấy bọ gậy gửi lên viện xét nghiệm. Bên cạnh đó, phát động toàn dân vệ sinh môi trường, khuyến cáo người dân không để muỗi vằn, bọ gậy sinh sôi, phát triển. Năm nay, theo tình hình thực tế của dịch Covid-19, nhằm tăng cường các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh sốt xuất huyết nói riêng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có văn bản hướng dẫn triển khai tổng vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh, trọng tâm là dịch Covid-19 và hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết. Theo đó, các huyện, thành phố thực hiện rà soát, xác định những địa bàn có nguy cơ dịch bệnh, nhất là nơi có ca bệnh sốt xuất huyết nội sinh để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh cụ thể, đồng thời thực hiện lồng ghép việc tuyên truyền qua các hội nghị và phát động các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng nhân dân tham gia tổng vệ sinh môi trường. Tại các xã, phường, thị trấn, ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, treo pa nô, áp phích sẽ tổ chức tổng vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở, nơi làm việc, thu gom dụng cụ phế thải diệt bọ gậy; xử lý các tụ điểm rác thải, khơi thông dòng chảy, thả cá diệt bọ gậy vào dụng cụ chứa nước. Bên cạnh đó, sử dụng Cloramin B để khử trùng bề mặt, đồ dùng, vật dụng ô nhiễm.

Bác sĩ Đặng Quang Huy cho biết thêm: Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang thực hiện điều tra chỉ số côn trùng ở các xã trọng điểm, xã có bệnh nhân sốt xuất huyết. Nếu địa bàn có mật độ muỗi lớn hơn hoặc bằng 0,5 con/nhà, chỉ số BI (số dụng cụ chứa nước có bọ gậy) lớn hơn hoặc bằng 20 hoặc có ca mắc sốt xuất huyết nội sinh sẽ có kế hoạch phun hóa chất theo quy định. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã hỗ trợ khoảng 120 lít hóa chất cho các huyện, thành phố để diệt muỗi, côn trùng. Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có vắc-xin điều trị, do đó sự vào cuộc tích cực của mỗi cá nhân, gia đình trong việc nâng cao ý thức vệ sinh môi trường là rất cần thiết. Khi có một trong những biểu hiện đau đầu, nhức hai hố mắt, có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, khớp, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị sớm, hạn chế các biến chứng của bệnh. Việc đến khám, điều trị sẽ giúp ngành Y tế phát hiện và có các biện pháp khống chế kịp thời không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Hoàng Lanh