Thứ 3, 21/05/2024, 02:13[GMT+7]

Doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sau đại dịch (Kỳ 1)

Thứ 6, 19/06/2020 | 09:47:08
4,411 lượt xem
Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 từ đầu tháng 2/2020 đến nay đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất trong một thời gian. Nhưng với sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, địa phương cùng với nỗ lực vượt khó, năng động và sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp đã vượt qua đại dịch Covid-19, từng bước phục hồi và duy trì đà phát triển.

Sản xuất tại nhà máy MXP7 (Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao MXP). Ảnh: Thành Tâm

Kỳ 1: Khó chồng khó

Giảm quy mô sản xuất chính là tình trạng chung của các doanh nghiệp ngành hàng dệt, may và da giày trên địa bàn tỉnh đã gặp phải do tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay. Theo báo cáo của Sở Công Thương, dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp ngành hàng dệt, may và da giày gặp rất nhiều khó khăn do hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước EU trong khi đó đây lại là các nước có dịch Covid-19 bùng phát mạnh; các doanh nghiệp tại thị trường EU không nhập hàng từ Trung Quốc nên Trung Quốc cũng tạm dừng việc nhập khẩu hàng từ các nước. Việc cắt giảm các đơn hàng đã khiến nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng sản xuất từ 60 - 70%, trong tình thế đó các doanh nghiệp hoặc phải thực hiện các biện pháp như: thỏa thuận với người lao động để giảm giờ làm, chấm dứt lao động, tạm ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc tạm ngừng sản xuất trên số dây chuyền. Không chỉ giảm quy mô sản xuất, các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh cũng bị hạn chế cả về đường hàng không lẫn đường bộ nên đã làm gián đoạn nguồn cung, dẫn đến thiếu nguyên liệu trong sản xuất. 

Ông Vũ Duy Hân, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trường Sơn Thịnh (cụm công nghiệp Mê Linh, huyện Đông Hưng) cho biết: Nguyên liệu vải sản xuất của Công ty chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù cuối năm 2019, chúng tôi đã chủ động đặt đơn hàng phục vụ sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đối tác phía Trung Quốc không thể bàn giao đủ số lượng vì hoạt động sản xuất của họ cũng bị đình trệ và việc vận chuyển, thủ tục xuất nhập khẩu gặp khó khăn dẫn đến thiếu nguyên liệu sản xuất cục bộ.

Cùng với các doanh nghiệp ngành hàng dệt, may và da giày, các doanh nghiệp dịch vụ vận tải trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. 

Ông Vũ Quang, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh cho biết: Hiệp hội Vận tải tỉnh có 40 doanh nghiệp thành viên với khoảng 1.500 xe vận tải khách và hàng trăm xe vận tải hàng hóa. Do dịch Covid-19, lượng hành khách và hàng hóa lưu chuyển hạn chế nên hơn 50% lượng xe phải tạm dừng hoạt động. Xe không hoạt động, cán bộ, công nhân, lái xe thiếu việc làm và thu nhập không bảo đảm nhu cầu cuộc sống. Còn đối với những doanh nghiệp sản xuất gốm, sứ, vật liệu xây dựng thực sự lao đao vì tác động của dịch Covid-19. 40 doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp Tiền Hải đều rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng. 

Nguyên nhân chính là do thiếu nguyên liệu sản xuất, chi phí đầu tư tăng cao và nhất là hàng hóa làm ra không tiêu thụ được. Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng; trong đó, doanh nghiệp Mikado tồn kho 5 triệu m2 gạch ốp lát trị giá 400 tỷ đồng, doanh nghiệp Hảo Cảnh tồn kho 899 tỷ đồng tiền hàng, doanh nghiệp Long Hầu tồn kho trên 100 tỷ đồng tiền hàng, doanh nghiệp Pha lê Việt Tiệp hàng hóa tồn kho trên 200 tỷ đồng... 

Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Gạch men sứ Thanh Hải cho biết: Toàn bộ nguyên liệu sản xuất như trường thạch, thạch cao, vật tư lò nung và phụ kiện của sản phẩm sứ vệ sinh chúng tôi đều phải nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc. Từ giữa tháng 2, việc vận tải và nhập nguyên liệu gặp khó khăn, cùng với đó hàng hóa làm ra không tiêu thụ được khiến doanh nghiệp kiệt nguyên liệu, vốn tái đầu tư.

Theo tổng hợp của Sở Công Thương, đến cuối tháng 4/2020, toàn tỉnh có 57 doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, tạm dừng một phần dây chuyền sản xuất, giảm giờ làm; trong đó có 37 doanh nghiệp ở lĩnh vực dệt may, 5 doanh nghiệp cơ khí, luyện kim, 8 doanh nghiệp nông sản, thực phẩm và lĩnh vực khác. Đặc biệt, đã có 24 doanh nghiệp buộc phải tạm dừng toàn bộ dây chuyền sản xuất, chủ yếu ở lĩnh vực dệt, may, nông sản, thực phẩm và tiểu thủ công nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với thực trạng này là hàng nghìn công nhân bị thiếu, mất việc làm hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. Đến hết tháng 4/2020, toàn tỉnh có 2.603 lao động mất việc làm và đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Sứ Đông Lâm (khu công nghiệp Tiền Hải)

Từ đầu tháng 4/2020 đến nay, do thiếu nguyên liệu sản xuất, sản phẩm làm ra không bán được, hàng hóa tồn kho lên tới 100 tỷ đồng trong khi chi phí lớn (mỗi tháng 1 tỷ đồng tiền điện, 4,6 tỷ đồng tiền khí đốt, 3,5 tỷ đồng tiền lương công nhân, trả lãi vay ngân hàng 550 triệu đồng) khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khủng hoảng cả về tài chính lẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính vì thế, Công ty đã phải gồng mình để thực hiện nhiều biện pháp như: cố gắng duy trì hoạt động sản xuất đặc biệt là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, cắt giảm tối đa mọi chi phí không cần thiết, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho 500 cán bộ, công nhân của Công ty...

Ông Nguyễn Thiện Căn, Trưởng Chi nhánh Công ty TNHH Sao Vàng

Chi nhánh Công ty TNHH Sao Vàng là đơn vị chuyên gia công giày dép da xuất khẩu chủ yếu đi các nước Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đây đều là các nước bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên nhiều khách hàng của Công ty đã cắt giảm đơn hàng tới 70 - 80%, điều đó đã khiến cho Công ty thiếu việc làm, buộc phải cắt giảm 30 - 40% số lao động hiện có, dẫn tới sản lượng sản xuất giảm tới 50% so với trước khi có dịch. Bên cạnh đó, tại Chi nhánh còn có 17 chuyên gia đang làm việc là người Trung Quốc, Đài Loan và Italia nên đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, đặc biệt là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Nếu dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Công ty không ký thêm được đơn hàng mới thì Công ty sẽ buộc phải cắt giảm thêm lao động để tập trung nguồn lực hoàn thành đúng tiến độ các đơn hàng đã có, đồng thời chăm lo cho đời sống cán bộ, công nhân của Công ty.

Chị Ngô Thị Trang, tổ 2, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình)

Tôi làm công nhân may ở Công ty TNHH TAV (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình). Do đại dịch Covid-19, Công ty gặp khó khăn nên tôi đã phải nghỉ việc, mất đi nguồn thu nhập nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian nghỉ việc, tôi đã cố gắng tìm việc làm mới nhưng chưa có tín hiệu khả quan do các doanh nghiệp may trên địa bàn chưa có nhu cầu tuyển dụng. Tôi mong các doanh nghiệp sớm hoạt động bình thường sau dịch Covid-19 để tôi có cơ hội việc làm trở lại.


(còn nữa)

Minh Hương - Khắc Duẩn