Thứ 6, 29/03/2024, 12:17[GMT+7]

Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chủ nhật, 05/07/2020 | 06:46:30
984 lượt xem
Đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, dựa trên thế mạnh và nền tảng đã đạt được, Thanh Hóa phải là một tỉnh công nghiệp, trong đó đối với tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, bên cạnh lọc dầu, cần có cụm công nghiệp để sử dụng hết đầu ra của tổ hợp, tránh xuất thô.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Ngày 4/7, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo; Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo; Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban chỉ đạo, đồng chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Phó trưởng Ban chỉ đạo; các đồng chí lãnh đạo đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương là thành viên Ban chỉ đạo, thành viên tổ biên tập Đề án; đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trịnh Văn Chiến mong muốn thông qua Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong cả nước sẽ phân tích, thảo luận thêm các quan điểm, cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực... xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, cung cấp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn trong việc hoàn thiện Đề án Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trước khi trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định. Đồng chí trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học đã giành tình cảm và sự quan tâm, giúp đỡ rất lớn cho tỉnh Thanh Hóa trong suốt những năm vừa qua. Đồng chí mong rằng trong thời gian tới Thanh Hóa sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa, để tỉnh Thanh Hóa bứt phá đi lên mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Trên cơ sở gợi mở của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo 218 Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đã có những bài phát biểu tham luận quan trọng nhằm phân tích rõ tiềm năng, thế mạnh, cũng như cơ hội để tạo động lực cho Thanh Hóa phát triển trong tương lai. Các nhà khoa học đã tập trung phân tích về quan điểm và giải pháp lớn phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thực trạng và giải pháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025; vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2030, tạo tiền đề để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở giai đoạn 2031-2045; tiềm năng thế mạnh và định hướng phát triển kinh tế biển tỉnh Thanh Hóa; một số giải pháp lớn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo. 

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt với truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng; có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh; có nhiều tiềm năng, lợi thế với nguồn lực to lớn về đất đai, con người, giao thông thuận tiện. Đồng chí Nguyễn Văn Bình ghi nhận các kết quả to lớn Thanh Hóa đã đạt được thời gian qua, mặc dù so với tiềm năng chỉ là bước đầu nhưng đã cho thấy có những bước khởi sắc rất mạnh mẽ, đã vươn lên đứng đầu vùng Bắc Trung bộ và nằm trong các tỉnh dẫn đầu của cả nước. Với các kết quả đạt được; các tiềm năng, lợi thế to lớn của tỉnh; mục tiêu phát triển Thanh Hóa không phải chỉ có ý nghĩa đối với tỉnh mà cho cả vùng và cả nước, không chỉ đối với phát triển kinh tế xã hội mà còn cả quốc phòng an ninh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định cho xây dựng đề án để tiến tới ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa tới 2030, tầm nhìn 2045.

Về hướng phát triển thời gian tới, với tiềm năng to lớn, đa dạng trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển…, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, Thanh Hóa cần có bước đi và lộ trình phù hợp, trong mỗi giai đoạn cần xác định trọng tâm trọng điểm. “Dựa trên thế mạnh và nền tảng đã đạt được, Thanh Hóa phải là một tỉnh công nghiệp, trong đó đối với tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, bên cạnh lọc dầu, cần có cụm công nghiệp để sử dụng hết đầu ra của tổ hợp, tránh xuất thô, thay vào đó tạo ra các sản phẩm hóa dầu có giá trị gia tăng cao, đem lại nguồn thu lớn hơn nhiều cho tỉnh” - đồng chí Nguyễn Văn Bình nêu rõ.

Với đặc thù đất rộng, người đông, tỉnh cần phát triển nông nghiệp nhằm đảm bảo sinh kế, thu nhập của nhân dân và đảm bảo các vấn đề trật tự an toàn xã hội; khai thác các lợi thế để phát triển kinh tế biển; quan tâm vấn đề liên kết vùng; tập trung khai thác tốt nguồn lực lớn của Thanh Hóa về văn hóa và con người phục vụ quá trình phát triển bền vững và lâu dài của tỉnh.

Hình ảnh tại Hội thảo. 

Chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Bình đã tham dự và chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị Ban Chỉ đạo cần tiếp thu các góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo, đồng thời lắng nghe các ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành và địa phương nhằm có cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện đề án chuẩn bị trình báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết phải tạo ra các cơ chế chính sách cho Thanh Hóa phát triển đột phá, để Thanh Hóa vì cả nước và cả nước vì Thanh Hóa, cũng chính là để hiện thực hóa được lời căn dặn của Bác “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”. 

 Báo cáo tại Hội thảo cho biết: Trong những năm qua, Thanh Hóa đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Nổi bật là kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2011 – 2020 đạt 10,3%, trong đó giai đoạn 2016 – 2020 đạt 12,1%, đứng đầu các tỉnh BắcTrung Bộ và trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước. Quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 ước đạt trên 229 nghìn tỷ đồng, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ ba cả nước. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng đột phá và khá bền vững, năm 2020 dự kiến thu được 29 nghìn tỷ đồng, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 11 trong cả nước. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước, vừa khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu Kinh tế Nghi Sơn.

        Du lịch phát triển đột phá đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển khá bền vững hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, là một trong những tỉnh có kết quả xây dựng nông thôn mới tốt nhất của cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh dần dần được cải thiện.

         Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng, nhất là khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tạo bước đột phát trong thu hút vốn đầu tư cho phát triển. Trong đó, thu hút vốn FDI đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, thuộc 5 tỉnh, thành phố có huy động vốn đầu tư FDI cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện. Hiện nay Thanh Hóa có đầy đủ các loại hình giao thông kết nối thuận lợi với các đô thị, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, trong đó có những hạ tầng rất quan trọng như: Cảng nước sâu Nghi Sơn, Cảng hàng không Thọ Xuân đã được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế. Văn hóa – xã hội có chuyển biến tiến bộ giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.670 USD, gấp 3,3 lần năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ./.



Theo: dangcongsan.vn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày