Thứ 6, 03/01/2025, 09:36[GMT+7]

Từng bước phục hồi, duy trì tăng trưởng kinh tế

Thứ 2, 13/07/2020 | 08:56:05
4,083 lượt xem
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm đứng thứ 4 của vùng đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao thứ 3 của cả nước, nền kinh tế cơ bản ổn định, đời sống nhân dân được bảo đảm.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Sợi dệt Hương Sen Comfor. Ảnh: Ngọc Trâm

Những kết quả đó đã khẳng định hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh từ đầu năm đến nay trong việc thực hiện mục tiêu kép kiểm soát tốt dịch Covid-19 và phục hồi, duy trì tăng trưởng kinh tế.

Nổi bật nhất trong bức tranh kinh tế 6 tháng của tỉnh đó là giá trị sản xuất xây dựng tăng 11,3% cùng kỳ năm 2019 với giá trị ước đạt 12.096 tỷ đồng. Trong bối cảnh bị tác động lớn của dịch Covid-19 nhưng tỉnh vẫn luôn quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện cũng như giải ngân nguồn vốn các công trình trên địa bàn tỉnh đặc biệt là các công trình trọng điểm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX như các dự án: Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh; tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn...; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ và đô thị trong Khu kinh tế Thái Bình. Chính điều đó đã tạo tiền đề quan trọng giúp tỉnh tăng cường thu hút đầu tư, từ đó phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 43 dự án được phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc được cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm trên 2.620 tỷ đồng; trong đó có 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 25,8 triệu USD. Cùng với đó, tỉnh cũng tích cực chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ về nguồn vốn tín dụng ngân hàng; đồng thời, trình HĐND tỉnh phê chuẩn miễn/giảm 23 loại phí, lệ phí nhằm giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Chính vì thế, 6 tháng đầu năm 2020 mặc dù chịu tác động lớn của dịch Covid-19 nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó giá trị sản xuất của một số sản phẩm tăng như: xăng dầu các loại tăng 77,5%, gỗ tăng 2,5 lần, giấy và sản phẩm từ giấy tăng 45,8%, gốm, sứ tăng 13,5%...


Không chỉ đạt nhiều kết quả tích cực ở lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, tỉnh còn duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp với năng suất lúa xuân ước đạt 70,6 tạ/ha, cao hơn 5,6 tạ/ha so với trung bình các tỉnh trong khu vực. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình liên doanh, liên kết trong nông nghiệp được quan tâm phát triển và đạt kết quả tích cực. Vụ xuân năm 2020, toàn tỉnh có 196 cánh đồng lớn với tổng diện tích 6.148ha, trong đó có 4.336ha được bao tiêu sản phẩm; hơn 576ha diện tích đất lúa được chuyển đổi, trong đó có 305ha chuyển sang trồng cây màu, 207ha chuyển sang trồng cây lâu năm và 64ha chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại cũng được các địa phương quan tâm mở rộng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho ngành chăn nuôi. Đến hết tháng 4/2020, toàn tỉnh có hơn 170 trang trại lợn nái có quy mô từ 30 con trở lên, 28 trang trại chăn nuôi gia công với doanh nghiệp, 616 cơ sở chăn nuôi trâu, bò có quy mô từ 5 con sinh sản và 10 con thịt trở lên, trong đó có 92 cơ sở đạt tiêu chí trang trại.


Với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đã đặt ra cho năm 2020 thì trong 6 tháng cuối năm GRDP của tỉnh cần phải đạt mức tăng trưởng khoảng 14,8%, tổng giá trị sản xuất cần phải đạt mức tăng trưởng trên 23%. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, thách thức đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh phải đặt quyết tâm cao nhất, thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến phiên họp Chính phủ tháng 6/2020 với các địa phương, đó là vừa “phòng thủ” chống dịch Covid-19, vừa “tấn công” trên mặt trận kinh tế. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ tập trung tối đa cho việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện khôi phục và phát triển hiệu quả sản xuất, kinh doanh; các ngành, địa phương có giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực nhằm phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 ở mức cao nhất.

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao MXP vẫn duy trì đủ việc làm cho công nhân với 8 giờ/ngày. Ảnh: Thành Tâm

6 tháng đầu năm 2020

  • Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 25.419 tỷ đồng, đạt 44,4% kế hoạch, tăng 4,62% so với cùng kỳ năm 2019;
  • Tổng giá trị sản xuất ước đạt 73.756,4 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,6%; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 4,14% và giá trị sản xuất khu vực dịch vụ tăng 0,97%;
  • Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng các khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản - công nghiệp và xây dựng - dịch vụ tương ứng đạt  27,27% - 40,81% - 31,92%.  


Ông Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính

6 tháng đầu năm 2020, Thái Bình là tỉnh đứng thứ 3 cả nước (sau Ninh Bình và Hưng Yên) về giải ngân vốn đầu tư công với tổng số tiền đã giải ngân đến ngày 15/6 đạt gần 2.452 tỷ đồng, đạt 57,4% kế hoạch; trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 64% dự toán, từ đó bảo đảm nguồn vốn thực hiện cho một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm, ngành Tài chính đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo sát sao công tác điều hành ngân sách theo hướng linh hoạt, tiết kiệm, hiệu quả; quyết liệt triển khai công tác thu ngân sách nhà nước để tạo nguồn cho việc thực hiện công tác chi ngân sách nhà nước với tổng thu ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm ước thực hiện gần 9.322 tỷ đồng, đạt 69,5% dự toán; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và tỉnh tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Trong quá trình thực hiện giải ngân, Sở đã chỉ đạo các bộ phận liên quan ưu tiên giải ngân đối với các dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ thực hiện đầu tư các công trình nước sạch...; ưu tiên giải ngân đối với các công trình đã hoàn thành quyết toán.

Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế

Trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng và tác động nhiều chiều lên tất cả các lĩnh vực của đời sống đặc biệt là phát triển kinh tế của đất nước cũng như của tỉnh. Tuy nhiên, với quan điểm xuyên suốt “chống dịch như chống giặc”; huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội; “lấy phòng dịch làm ưu tiên”, “khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, kiên quyết cách ly tập trung, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả”, ngành Y tế đã chủ động tham mưu cho tỉnh những giải pháp phòng, chống quyết liệt, đồng bộ và phù hợp với diễn biến tình hình dịch; từ đó góp phần giúp tỉnh phòng dịch thành công, không để dịch lây lan vào tỉnh. Đây chính là điều kiện quan trọng giữ môi trường ổn định, tạo điều kiện quan trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường ngay khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát.

Ông Phạm Tùng Lâm, Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy

Từ đầu năm đến nay, cũng như các địa phương khác trong tỉnh, huyện Thái Thụy cũng gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, huyện đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp, hộ sản xuất, người lao động và nhân dân trên địa bàn tích cực duy trì ổn định, phát triển sản xuất. Chính vì thế, một số sản phẩm chủ lực của huyện vẫn duy trì mức tăng trưởng khá như: Amonitrat tăng 14,8%, điện sản xuất tăng trên 40%, máy bơm, các sản phẩm từ gỗ, nước mắm, men rượu, bột cá... Để hoàn thành được mục tiêu tổng giá trị sản xuất năm 2020 tăng 15,2% so với năm 2019 sẽ rất khó khăn đối với huyện Thái Thụy nên trong những tháng cuối năm huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc sản xuất vụ mùa và vụ đông theo đề án đã được phê duyệt, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tập trung giải quyết các vấn đề liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện; chỉ đạo giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; thực hiện có hiệu quả công tác khuyến công, khuyến thương, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp...


Minh Hương