Thứ 2, 25/11/2024, 07:02[GMT+7]

Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng

Thứ 2, 27/07/2020 | 08:47:18
4,170 lượt xem

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng quà thương bệnh binh nặng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công.

Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, địa phương quan tâm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), phóng viên Báo Thái Bình phỏng vấn ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về những kết quả đạt được trong việc chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Thưa ông, Thái Bình là tỉnh đứng thứ ba cả nước về số người có công với cách mạng. Thời gian qua, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Bái: Thái Bình là tỉnh giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, Thái Bình có trên 50 vạn người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. Kết thúc chiến tranh, Thái Bình có trên 52.000 liệt sĩ, hàng vạn người là thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bị địch bắt tù đày; trên 5.500 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh thường xuyên quan tâm chăm lo mọi mặt cho người và gia đình người có công với cách mạng. Hàng năm đã tổ chức chi trả cho hàng chục nghìn người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Trong năm 2019 và 7 tháng đầu năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thành phố thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi thường xuyên đối với 68.000 người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 1,5 nghìn tỷ đồng. Tiếp nhận và giải quyết chính sách cho 5.400 lượt người có công với cách mạng, người tham gia hoạt động kháng chiến và thân nhân của họ, giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với 10.000 người được tặng bằng khen qua các thời kỳ kháng chiến; đề nghị truy tặng danh hiệu 11 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; suy tôn 19 liệt sĩ; tiếp nhận và giải quyết chế độ cho 27 thương binh do cơ quan quân đội chuyển đến, trong đó có nhiều trường hợp hồ sơ đã tồn đọng vài chục năm nay.

Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 17.774 hộ người có công khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí 588.540 triệu đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với một bộ phận người và gia đình người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn.

Xây dựng nhà ở cho người có công xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư.

Phóng viên: Đến nay, việc rà soát và giải quyết các chế độ, chính sách cho người có công trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bái: Từ đầu năm đến nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát đối tượng hưởng chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo các kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Qua rà soát đã dừng trợ cấp trên 1.800 trường hợp do không chứng minh được có thời gian tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại vùng quân đội Mỹ rải chất độc hóa học theo quy định, con đẻ còn tự lực trong sinh hoạt hoặc không mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh. Xây dựng kế hoạch triển khai rà soát 68.000 đối tượng hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi thường xuyên đối với người có công với cách mạng và kế hoạch rà soát 200.000 đối tượng thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với người trực tiếp tham gia hoạt động kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế hưởng trợ cấp một lần, người được tặng thưởng huân huy chương. Qua kiểm tra, rà soát, các trường hợp phát hiện hưởng chính sách chưa đúng, chưa đủ điều kiện tiến hành dừng thực hiện chính sách, từng bước quản lý đối tượng vào nền nếp.

Phóng viên: Hiện nay, việc quản lý hồ sơ người có công bằng phần mềm trên máy tính được người dân rất quan tâm. Xin ông cho biết việc triển khai và thực hiện quản lý phần mềm này?

Ông Nguyễn Văn Bái: Đối với công tác quản lý hồ sơ người có công với cách mạng, năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ và thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Là 1 trong 10 tỉnh của cả nước cơ bản hoàn thành việc cập nhật hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng vào phần mềm trên máy vi tính; quản lý và đưa vào khai thác sử dụng song song đồng thời với trên 30 vạn hồ sơ vật lý và hồ sơ điện tử. Kết quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ người có công đã đánh dấu bước ngoặt mới trong công tác quản lý đối tượng, quản lý chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính nhà nước như 100% thủ tục hành chính được giải quyết theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Từ năm 2019 đến nay đã giải quyết trên 5.000 thủ tục hành chính bảo đảm đúng quy định, không để tồn đọng, quá hạn.

Phóng viên: Để thực hiện tốt hơn chế độ, chính sách đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đề ra những nhiệm vụ cụ thể nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bái: Thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện các kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tham mưu cho tỉnh chủ trương hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng phát sinh ngoài đề án cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng, trước mắt đề xuất hỗ trợ những gia đình người có công hiện có nhà ở là nhà cấp 4, có tường nứt, mái nứt, mái dột, có nguy cơ sập đổ đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở. Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chế độ, chính sách đối với người có công và thân nhân của người có công với cách mạng. Thực hiện tốt đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ người có công” và triển khai có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hồ sơ giải quyết chính sách đối với người có công với cách mạng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Cường 
(thực hiện)