Thứ 3, 23/07/2024, 07:27[GMT+7]

Chủ động nắm bắt cơ hội Hiệp định CPTPP mang lại

Thứ 2, 03/08/2020 | 10:37:23
7,584 lượt xem
Thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là cơ hội lớn để tăng lượng hàng xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) trong nước nói chung, DN Thái Bình nói riêng phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai CPTPP, kết quả vẫn chưa như kỳ vọng bởi những khó khăn đang hiện hữu.

60% hàng hóa của Công ty TNHH Da giày xuất khẩu Thành Phát xuất khẩu vào thị trường các nước tham gia Hiệp định CPTPP.

Sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước

Ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện và giao Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai sâu rộng tới cơ quan quản lý nhà nước các cấp và cộng đồng DN. Bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong hơn 1 năm qua, Sở đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định CPTPP, Thông tư của Bộ Công Thương quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định CPTPP cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước và các DN. Đến nay, đã có hơn 300 DN xuất nhập khẩu (XNK) của tỉnh đã được phổ biến, tập huấn kiến thức thực thi Hiệp định CPTPP, nghiệp vụ khai mẫu form C/O để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa vào các nước thành viên Hiệp định CPTPP. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng làm tốt công tác giám sát, dự báo về tăng trưởng kim ngạch XNK, thiết lập đầu mối thông tin, sẵn sàng giải đáp thắc mắc và hướng dẫn các DN nắm bắt cơ hội phát triển.

Để thực thi cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP về quy định pháp luật trong nước, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo hướng loại bỏ các văn bản hết hiệu lực thi hành, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ. Liên đoàn Lao động tỉnh đã hướng dẫn công đoàn cơ sở triển khai lấy ý kiến của cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức lao động đóng góp vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ”, đã có 80% thủ tục hành chính được giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Đặc biệt, UBND tỉnh đã hoàn thành thiết lập thử nghiệm cổng dịch vụ công trực tuyến để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong hơn 1 năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực; triển khai các chủ trương, chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở DN; thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Nhờ những “đòn bẩy” đó, các DN trong tỉnh đã có nhiều cơ hội để XNK hàng hóa. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1.710 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 1.622,5 triệu USD, tăng trưởng ở mức tương ứng là 10,96% và 15,06% so với cùng kỳ năm 2018. 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh vẫn ước đạt 660,3 triệu USD, kim ngạch nhập ước đạt 623,3 triệu USD.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn

Mặc dù tổng kim ngạch XNK của các DN trên địa bàn tỉnh tăng, nhưng ở góc độ XNK tại thị trường các nước thành viên CPTPP còn rất khiêm tốn. Trong số hơn 300 DN XNK, mới có khoảng 105 DN tham gia xuất khẩu hàng hóa và 35 DN nhập khẩu nguyên liệu sản xuất từ các nước tham gia Hiệp định CPTPP. Bà Ngô Thị Liên, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương cho biết: Không chỉ số lượng DN xuất khẩu vào thị trường CPTPP thấp mà kim ngạch xuất khẩu cũng chưa phát huy hết tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản chỉ đạt 7,8 triệu USD, may mặc đạt 25,8 triệu USD, dệt khăn bông đạt 107,1 triệu USD, xơ sợi đạt 253 triệu USD, da giày đạt 66,7 triệu USD... và thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Úc, New Zealand, Canada.

Bà Hoàng Thị Hoa, chuyên viên bộ phận XNK, Công ty TNHH Da giày xuất khẩu Thành Phát (xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình) cho biết: Sản phẩm xuất khẩu chính của Công ty là giày, dép da và thị trường tập trung ở các nước có ký Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, để tận dụng được ưu đãi về thuế quan XNK, DN cũng gặp khó khăn do yêu cầu của đối tác về chất lượng sản phẩm rất cao, an toàn sức khỏe và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, những quy định về nguồn gốc xuất xứ đòi hỏi khắt khe và việc khai mẫu C/O còn mới mẻ với nhiều tiêu chí nên cũng gặp khó khăn.

Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng các doanh nghiệp may mặc chưa tận dụng được để xuất khẩu vào thị trường các nước tham gia Hiệp định CPTPP.

Không riêng Công ty TNHH Da giày xuất khẩu Thành Phát, các DN may xuất khẩu (kể cả DN trong nước và DN FDI), lĩnh vực thế mạnh của tỉnh xuất sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP cũng đang gặp vướng mắc trong việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. Hiện các DN vẫn sử dụng C/O mẫu AJ, VJ, AANZ, số DN sử dụng C/O mẫu CPTPP rất hạn chế; năm 2019, toàn tỉnh chỉ có 12 bộ C/O khai form CPTPP. Theo các DN, rào cản khiến DN chưa tiếp cận được thị trường trong khối CPTPP gồm hình thức sản xuất chủ yếu gia công, nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết: Các DN trong tỉnh đa phần có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên năng lực sản xuất còn hạn chế không đáp ứng số lượng đơn hàng; công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại chưa được chú trọng, việc tham gia chuỗi giá trị còn nhiều bất cập, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường và quy tắc xuất xứ trong CPTPP...

Cần chủ động để nắm bắt cơ hội

Để Hiệp định CPTPP đi vào cuộc sống, Sở Công Thương đã đề nghị các cơ quan chức năng của trung ương rà soát, sửa đổi một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; Bộ Công Thương hỗ trợ tập huấn chuyên sâu cho cán bộ làm công tác hội nhập, làm cầu nối để địa phương tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xuất khẩu tại thị trường các nước CPTPP. Đồng thời, Sở Công Thương cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh hỗ trợ DN về công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho DN kịp thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Công tác thông tin tuyên truyền và triển khai các nghiên cứu chuyên sâu theo ngành và lĩnh vực, từng thị trường trọng điểm được đẩy mạnh hơn nữa đến DN, hiệp hội trong thời gian tới...

Theo bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Các DN phải là người chủ động trong “cuộc chơi”, vì không một cơ quan, tổ chức nào có thể làm thay DN. Trong đó, DN cần nâng cao năng lực tiếp cận thị trường xuất khẩu thông qua việc nắm bắt các quy tắc mới, tìm hiểu quy định của pháp luật về thương mại và đầu tư, tập quán kinh doanh, văn hóa DN của các thành viên Hiệp định CPTPP. DN cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh thích nghi với bối cảnh mới, tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin và linh hoạt trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội; đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và nắm chắc các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa - đây là yếu tố quyết định trong hành trang tiến vào thị trường đầy tiềm năng với 95% dòng thuế được gỡ bỏ theo cam kết của các nước thành viên Hiệp định CPTPP.

Khắc Duẩn