Thứ 6, 03/01/2025, 01:17[GMT+7]

Đưa nền nông nghiệp Thái Bình phát triển lên tầm cao mới

Thứ 2, 10/08/2020 | 09:10:31
5,522 lượt xem
Những năm qua, Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đưa nền nông nghiệp Thái Bình phát triển lên tầm cao mới.

Nông dân huyện Đông Hưng đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: 5 năm qua, Đảng bộ Sở đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, lấy giá trị gia tăng bền vững đem lại hiệu quả cho người dân làm nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó, từng nội dung đều có chương trình thực hiện cụ thể và rõ nét. Trong lĩnh vực trồng trọt, chú trọng đến cải tiến giống lúa, đưa tiến bộ kỹ thuật, cơ đưa năng suất lúa của Thái Bình đạt ổn định 132 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn/năm và xuất khẩu ra một số nước trong khu vực. Kết quả này đã đưa Thái Bình đứng đầu vùng đồng đồng bằng sông Hồng, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Cùng với đó, xác định đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính thứ ba trong năm, toàn ngành tập trung chỉ đạo phát triển các cây trồng có lợi thế ở các địa phương, đưa cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chú trọng chuỗi liên kết đầu ra cho sản phẩm. Tại nhiều địa phương đã hình thành các mô hình sản xuất mới theo hướng tăng quy mô nông hộ, sản xuất có hợp đồng bao tiêu sản phẩm và liên kết trong sản xuất giữa hộ dân với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp. Toàn ngành đã thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng diện tích chuyên rau màu từ 3 - 4 vụ/năm, đưa diện tích rau màu, vụ đông toàn tỉnh lên 45.000ha, sản lượng đạt 910.000 tấn. Hiện tại, toàn tỉnh có 236 HTX tham gia liên kết với 20 doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 10.778ha; một số mô hình chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất bãi bồi ven sông, đất lúa kém hiệu quả cho thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/ha/năm.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp đặc biệt coi trọng chuyển đổi phương thức sản xuất từ tự túc, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa. Người dân ở nhiều địa phương đã bỏ thói quen làm ruộng nhỏ lẻ, manh mún chuyển sang tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản. Đến nay, tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung theo hình thức thuê và chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 5.348ha. Nhờ đó, Thái Bình đã thu hút một số doanh nghiệp lớn vào đầu tư như: Tập đoàn Thaco, Tập đoàn TH và dự án nuôi tôm của Tập đoàn Geleximco... 

Trong chăn nuôi, ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cải biến đàn giống, đặc biệt là giống lợn, giống trâu, bò và đưa các con giống có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; phát triển mạnh hình thức gia trại và trang trại quy mô lớn theo phương pháp công nghiệp và công nghệ hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 736 trang trại chăn nuôi có các hình thức hợp tác sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ...

Lĩnh vực xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tạo bước đột phá lớn. Đến hết năm 2019, Thái Bình là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh; đặc biệt, có 100% dân cư trong tỉnh được cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt (sớm 2 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra). Xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả bước đầu.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, trong quá trình thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi nhưng kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh vẫn đạt giá trị khá, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng bình quân nhiệm kỳ qua đạt 2,5%/năm. Có được kết quả trên là do Đảng bộ Sở đã tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên trong toàn Đảng bộ, xác định nhiệm vụ chính trị của ngành là phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Mục đích đó đã được tất cả các đảng viên trong Đảng bộ Sở xác định và xây dựng chương trình hành động hướng về cơ sở, hướng về nông thôn.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện cơ cấu lại theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, lấy thị trường làm cơ sở để định hướng sản xuất, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Thu Thủy