Thứ 5, 28/11/2024, 16:53[GMT+7]

Tạo “cú hích” trong công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo

Thứ 5, 30/04/2020 | 09:02:06
1,778 lượt xem
Năm học 2019 - 2020 là năm học thực hiện sơ kết 5 năm triển khai Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời cũng là năm học chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Những thành quả đạt được trong 5 năm qua chính là cú hích trong công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo tại Thái Bình, cũng là bước đệm quan trọng để toàn ngành bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Màn đồng diễn của học sinh Trường Tiểu học và THCS Quốc Tuấn (Kiến Xương). Ảnh tư liệu

Trong 5 năm qua, ngành Giáo dục Thái Bình có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là về quy mô mạng lưới trường, lớp được bố trí, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn đầu mối, mở rộng quy mô số lớp/trường, tạo điều kiện thuận lợi cho con em nhân dân học tập, bảo đảm giữ vững chất lượng dạy và học. Tính đến hết học kỳ I năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 299 cơ sở giáo dục mầm non, 431 cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó có 119 trường tiểu học, 106 trường THCS, 167 trường tiểu học và THCS, 39 trường THPT. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục giữ vững và có những bước khởi sắc, bứt phá. Giáo dục đại trà đã chuyển dần theo hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực người học, từng bước tiếp cận mục tiêu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm 2012, Thái Bình là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, kết quả này được duy trì qua các năm đến nay. Năm 2019, Thái Bình là 1 trong 14 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Công tác giáo dục đạo đức có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức của học sinh về lý tưởng, lẽ sống và trách nhiệm công dân, chấp hành pháp luật được nâng lên. Công tác giáo dục thể chất, thẩm mỹ, hướng nghiệp, dạy nghề, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được quan tâm góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

Những năm qua, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các cấp nhìn chung đủ về số lượng, bảo đảm chuyên môn nghiệp vụ theo cơ cấu vị trí việc làm. Chất lượng đội ngũ nhà giáo của tỉnh ngày càng được nâng cao, có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn cao, phẩm chất đạo đức tốt, lòng yêu nghề và năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu giảng dạy tại các nhà trường và yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ngành Giáo dục Thái Bình xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo mẫu mực, điển hình trong các phong trào thi đua như: cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS An Vũ (Quỳnh Phụ); cô giáo Phạm Hồng Lê, giáo viên Lịch sử Trường THCS Kỳ Đồng (Hưng Hà); cô giáo Tống Thị Minh Hồng, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Bắc Đông Quan… Các thầy cô giáo đều là những tấm gương điển hình về đổi mới công tác quản lý; phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật; đổi mới phương pháp dạy và học… đạt được những kết quả thiết thực. Điển hình như Trường Tiểu học và THCS An Vũ, từ một trường đứng tốp cuối của huyện sau 5 năm đã vươn lên tốp đầu về mọi mặt; từ cách dạy hiệu quả chuyên đề “giáo dục gắn với di sản văn hóa” của ngành Giáo dục Hưng Hà đã nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh.

Sản phẩm khoa học do học sinh Thái Bình sáng chế. Ảnh tư liệu

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục Thái Bình đã luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, giám sát của nhân dân đối với sự nghiệp phát triển, đổi mới giáo dục và đào tạo. Ngành đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đồng thời, áp dụng một số mô hình đổi mới giáo dục như: mô hình trường học mới (VNEN) ở tiểu học và THCS, mô hình giáo dục STEM, mô hình phòng học thông minh… Song song với đó, tích cực chỉ đạo và thực hiện công tác đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học với hình thức đa dạng; đổi mới cách đánh giá giáo viên, thi giáo viên dạy giỏi; tăng cường công tác khảo thí, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục. Và một đổi mới vô cùng quan trọng là đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá, bảo đảm trung thực, khách quan, đúng quy chế; chỉ đạo quyết liệt công tác ôn tập nội dung kiến thức cho học sinh lớp 12 và công tác chuẩn bị, tổ chức thi THPT quốc gia.

Thời điểm này, ngành Giáo dục đang tích cực chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện đầu tiên ở lớp 1 vào đầu năm học tới. Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngay từ thời điểm này và cả các năm học trước đó, Sở đã chỉ đạo các nhà trường, giáo viên để tích cực chuẩn bị tâm thế cũng như các điều kiện cần thiết cho chương trình mới. Đối với các nhà trường, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học, các hoạt động giáo dục đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Các nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị; có kế hoạch, đề xuất bổ sung đội ngũ, sắp xếp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị dạy học một cách hợp lý để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Đối với giáo viên, cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, đặc biệt là tích cực bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, tham gia đầy đủ và có chất lượng các buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên môn do các cấp quản lý tổ chức, chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được các yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới.

Đặng Anh