Thứ 6, 28/06/2024, 02:05[GMT+7]

Đại học không phải là cánh cửa duy nhất để đi đến thành công

Thứ 6, 03/08/2012 | 09:25:47
3,837 lượt xem
Đại học được coi là “vũ môn” đánh dấu bước ngoặt vào đời của các sĩ tử. Dường như chưa có cơ quan chức năng nào làm rõ nguyên nhân tại sao áp lực của việc học, nhất là thi đại học (ĐH) lại nặng nề đến vậy. Sau mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng cùng với những niềm vui “cá chép hóa rồng” còn có rất nhiều chuyện buồn thương tâm của sĩ tử.

Khuôn viên Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa

Những năm gần đây, thi đỗ ĐH trở thành mục tiêu quan trọng, thậm chí bắt buộc phải đạt được với nhiều học sinh, đặc biệt áp lực còn nặng nề hơn đối với học sinh khu vực thành thị. Cũng dễ hiểu, bản thân các em học sinh cũng mong mình có tấm bằng đại học tìm con đường ngắn nhất để lập thân, lập nghiệp. 12 năm nuôi con ăn học, cha mẹ nào chẳng kỳ vọng con sẽ đỗ đạt, thành tài. Người xưa có câu: “Khóc như thiếu nữ về nhà chồng, cười như học trò hỏng thi”. Không ít sĩ tử đã phải “cười” như vậy do “cửa vũ môn” quá cao, đâu phải chú “cá chép” nào cũng vượt được để “hóa rồng”. Vấn đề đặt ra khi hỏng thi, vì nhiều lý do khác nhau như bạn bè dè bỉu, cha mẹ gằn hắt, thầy cô  thất vọng... khiến nhiều học sinh bế tắc, có người mắc bệnh trầm cảm, một số tâm thần. Cá biệt có em đi tìm cái chết và coi đó như một sự giải thoát bỏ lại cả một tương lai phía trước.

Bất kỳ một xã hội nào cũng có sự phân công lao động, mỗi một người đều có năng lực phù hợp đáp ứng một vị trí làm việc để tồn tại, phát triển và cũng chẳng một xã hội nào tồn tại chỉ toàn “thầy”, không có thợ. Đại học không phải là cánh cửa duy nhất để đi đến thành công. Có rất nhiều người thành đạt mà không hề bắt đầu bằng tấm bằng đại học. Ngày học cấp 3, tôi có một người bạn cùng lớp học rất giỏi tên Trần Phúc Hòa. Chẳng hiểu sao bạn bè cứ lần lượt lên đường nhập học còn Hòa thi đến 3 lần không đỗ. Bố mẹ đều là giáo viên, nuôi 3 anh em ăn học thì hoàn cảnh kinh tế không đáp ứng được, Hòa phải vừa làm tại Xí nghiệp Bánh kẹo vừa ôn thi. Ngày ấy (1986) học sinh có câu cửa miệng “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa”, năm thứ 4 Hòa chọn và thi đỗ trường Cao đẳng Sư phạm dạy nghề Nam Định. Ra trường xin về giảng dạy tại trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, đến nay Hòa đã hoàn thành xong chương trình thạc sỹ. Trường của Hòa dạy cũng đã lên đại học.

Nói đến các “đại gia” của ngành gốm sứ Tiền Hải, không thể không nhắc đến cái tên Trần Dũng, Tổng giám đốc Công ty Sứ Đông Lâm. Hết cấp 3, yêu gốm sứ, yêu quê hương, Dũng không chọn thi đại học mà xin vào làm công nhân tại Công ty Sứ Thái Bình. Hơn 10 năm rèn luyện, tự học hỏi để trở thành lãnh đạo của 3 nhà máy sản xuất sứ, giải quyết việc làm cho gần 1.000 công nhân với vốn tự có lên tới hàng chục tỷ đồng. Đường thẳng bao giờ cũng là đường ngắn nhất, nhưng không đồng nghĩa là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Chủ quán Sơn Dê (đường Trần Phú, TP Thái Bình) Hà Xuân Sơn đã nói với tôi như vậy. Sơn kể, trong khi các bạn cùng lớp 12 náo nức thi đại học thì Sơn xung phong nhập ngũ. Môi trường quân đội đã tôi luyện cho Sơn bản lĩnh, nghị lực và đặc biệt “nhãn quan” để sau này Sơn phát hiện và nắm bắt các cơ hội kinh doanh. Ra quân, Sơn lên Hà Nội xin học nghề nấu ăn tại một quán nổi tiếng về thịt dê. Lĩnh hội được bí quyết, Sơn trở về thành phố thuê cửa hiệu kinh doanh và từ một chàng trai ở quê, nay Sơn có một gia đình hạnh phúc tại thành phố với vốn tiền tỷ.

Vào đại học là ước mơ, nguyện vọng chính đáng của hầu hết các học sinh cũng như các bậc phụ huynh song khi sinh ra mỗi người có năng lực, thiên hướng và sở trường, sở đoản... khác nhau. Các bạn trẻ cần nhận thức rõ không phải ai cũng có thể thi đỗ đại học và đủ khả năng để học đại học (chưa kể đến việc làm sau khi tốt nghiệp). Điều quan trọng nhất là bạn chọn công việc nào phù hợp với bản thân để hoàn thành tốt công việc đó, có ích cho mỗi người, cho xã hội, như Các-Mác viết: “Nếu ta chọn một nghề trong đó ta có thể làm việc nhiều hơn cho nhân loại thì ta sẽ không còng lưng dưới gánh nặng của nó...”. Đối với các bậc phụ huynh, khi con trượt đại học, trước hết cần biết chấp nhận kết quả, kèm theo sự động viên an ủi, hãy cùng ngồi lại nhìn nhận đúng khả năng của con để tìm các phương án phù hợp nhất cho tương lai. Hãy để con hiểu rằng có nhiều con đường để lựa chọn, đừng để cánh cửa đại học đè nát cuộc đời!

Phan Anh

  • Từ khóa